Sắp có thêm 2 tỷ USD kiều hối đổ về Tp.HCM trong quý 4/2021?
Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và là nguồn hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán tổng thể....
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ trái phiếu tuần qua, SSI Research thống kê, thanh khoản hệ thống tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 4/2021 trong tuần qua. Các nghiệp vụ thị trường mở không được thực hiện và nhờ vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang ở mức thấp, kết tuần ở 0,67% (-1 bp) cho kỳ hạn qua đêm và 0,79% (-2 bp) cho kỳ hạn 1 tuần.
Theo báo cáo tính hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm của Chính phủ, tín dụng tính đến hết tháng 9 tăng 7,84% so với cuối năm 2020, tương đương với mức tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong nửa cuối tháng 9, số liệu từ Ngân hàng nhà nước tính đến 20/9 tín dụng chỉ tăng 7,1%, cho thấy nhu cầu tín dụng hồi phục trở lại khi nền kinh tế đang dần được mở cửa trở lại.
Báo cáo cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tới 1,66% so với trước dịch. SSI duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý 4/2021.
Gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi kỳ vọng nhanh chóng được triển khai, trong đó Tp Hồ Chí Minh hiện là địa phương đầu tiên công bố gói hỗ trợ này với trị giá khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Đối với thị trường ngoại hối, trong tuần qua, giá vàng thế giới có tuần tăng ấn tượng với mức tăng hơn 1,4% trong tuần - mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/8. Mức tăng này đánh dấu tuần tăng giá thứ tư trong năm tuần qua của giá vàng thế giới và được hỗ trợ bởi những lo ngại về lạm phát.
Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số CPI tại khu vực Châu Âu tháng 9 tăng 3,4% so với cùng kì năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng 8, chỉ số CPI cơ bản tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng 8.
Chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) tại Đức trong tháng 9 đã tăng 2,3% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 1,5% của tháng trước đó và vượt mạnh so với dự báo chỉ tăng 1,1%.
Trước đó, Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 5,4%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 1991 trở lại đây. Bài phát biểu của chủ tịch FED trong ngày 22/10 cũng nhận định rằng đà tăng lạm phát tại Mỹ có thể sẽ kéo dài sang năm sau, và đã đến lúc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD của Fed.
Ngược lại, chỉ số DXY có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp, giảm 0,3%. Nhờ vậy, các đồng tiền chủ chốt đều tăng giá nhẹ so với USD như EUR 0,36%, GBP 0,03%, CAD 0,02%.
Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND biến động trái chiều ở 2 thị trường liên ngân hàng và tự do. Kết tuần, tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại giao dịch ở mức 22.625/22.855, giảm 5 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với tuần trước trước đó. Ngược lại, tỷ giá tự do tăng 50đ/USD ở chiều mua vào bán ra, kết tuần ở 23.280/23.330.
Diễn biến trên thị trường tự do được điều chỉnh nhằm phù hợp với mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và Việt Nam – hiện duy trì quanh 9 triệu đồng/lượng. Số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 10 xuất siêu khoảng 170 triệu USD, và thu hẹp cán cân thương mại lũy kế xuống còn nhập siêu khoảng 2,38 tỷ USD. Cán cân thanh toán tổng thể nhìn duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực.
Cụ thể, kiều hối về Tp Hồ Chí Minh - chiếm khoảng 30% tổng kiểu hối trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Dự kiến, trong năm 2021, lượng kiều hối đổ về thành phố sẽ cao hơn so với năm 2020 (6,1 tỷ USD) từ 10-12%, tương đương với mức tăng thêm khoảng gần 2 tỷ USD trong quý 4. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và là nguồn hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán tổng thể. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.