15:56 05/11/2009

Kim ngạch xuất khẩu giầy dép khó về đích

Y Nhung

So với mục tiêu xuất khẩu 4,77 tỷ USD trong năm 2009, hiện ngành da giầy mới chỉ đạt được 2/3 kế hoạch năm

Tính chung mười tháng đầu năm, sản lượng của toàn ngành đạt 269,1 triệu đôi, vẫn giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung mười tháng đầu năm, sản lượng của toàn ngành đạt 269,1 triệu đôi, vẫn giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
So với mục tiêu xuất khẩu 4,77 tỷ USD trong năm 2009, hiện ngành da giầy mới chỉ đạt được 2/3 kế hoạch năm.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất giầy dép các loại trong tháng 10/2009 ước đạt 32,5 triệu đôi, chỉ bằng 82% so với tháng 10/2008. Tính chung mười tháng đầu năm, sản lượng của toàn ngành đạt 269,1 triệu đôi, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giầy dép mười tháng qua chỉ đạt khoảng 3,21 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ.

Cũng theo ghi nhận của Bộ Công Thương, hiện nay, các doanh nghiệp da giầy lớn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý 4/2009. Tuy nhiên, do thiếu công nhân nên các doanh nghiệp lớn thường phải ký hợp đồng gia công với các công ty vệ tinh để đảm bảo thời hạn giao hàng.

Tại thị trường nội địa, nhìn chung sức mua sản phẩm giầy dép, túi cặp của người tiêu dùng ổn định.

Nhưng mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiếp tục đề xuất kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giầy nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (EU) thêm ít nhất 15 tháng nữa, thay vì 5 năm như thông lệ, bất chấp sự phản đối của các nước thành viên cũng như các hãng sản xuất giầy lớn trên thế giới và người tiêu dùng.

Nếu được thông qua, EC sẽ ra quyết định cuối cùng muộn nhất vào ngày 20/11 tới. Thời hạn áp thuế chống bán phá giá mới đối với giầy Trung Quốc và Việt Nam bán trên thị trường EU sẽ có hiệu lực từ ngày 3/1/2010. Như vậy, đây sẽ là khó khăn tiếp theo mà ngành da giầy Việt Nam phải đối mặt.