10:09 07/03/2022

Kinh doanh massage, karaoke đang “ngắc ngoải”?

Song Hoàng

Từ khi dịch Covid -19 càn quét, karaoke, massage chính là những dịch vụ bị cấm ngặt nghèo nhất. Chủ những cơ sở này than thở, chẳng có ai kết luận karaoke lây nhiễm nhiều hơn quán cafe, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhưng cơ sở vẫn bị đóng cửa vô thời hạn...

Karaoke tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành chưa biết bao giờ được mở cửa trở lại
Karaoke tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành chưa biết bao giờ được mở cửa trở lại

Khánh Huyền - chủ hai quán karaoke khá lớn trên đường Trần Đăng Ninh và Nguyễn Khang (Hà Nội) cho biết cô và chồng nhiều ngày gần đây liên tục căng thẳng với nhau. Tất cả xuất phát từ việc bị đòi nợ liên tục. Bỏ nhiều tỷ đồng để đầu tư hai quán karaoke nhưng chưa kinh doanh, chưa hồi vốn thì dịch bệnh ập đến.

CHỜ ĐỢI TRONG VÔ VỌNG

Hai năm như ngồi “trên lửa”, vợ chồng Huyền tóc bạc đi nhanh chóng dù cả hai mới xấp xỉ 40 tuổi. Mỗi tháng, hai vợ chồng phải tìm cách gồng gánh cả trăm triệu tiền thuê mặt bằng và tiền lãi ngân hàng. Số tiền quá lớn khiến cả hai mất ăn mất ngủ.

Sau chuỗi ngày chờ đợi, việc mở cửa chính thức trong vô vọng, bà chủ quán karaoke này thật thà cho biết, đang rất muốn tìm cách để một quán có thể hoạt động lại được, dù phải "linh động" và “bí mật”.

“Phải liều thôi, nếu không bọn em không giãy được vì tiền điện, tiền nhân công vẫn phải trả. Cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt, giờ nếu nghĩ đến việc bán hai cơ sở này đi thì sạt nghiệp luôn, sẽ không cứu vãn được vì nếu bán sẽ chỉ được tầm 50% số tiền đã đầu tư. Thực sự quá khó khăn, em cũng không hiểu vì sao quán ăn, nhà hàng đã được cấp phép, các khu du lịch cũng mở cửa đông nghịt mà karaoke cứ vô vọng mãi như thế này. Chẳng có con số báo cáo nào nói chính xác là đi hát karaoke thì tỷ lệ lây nhiễm Covid -19 cao hơn quán café, quán ăn hay đến rạp xem phim. Tất cả dựa trên cảm tính, thấy nó nhạy cảm thì cấm. Mà nhạy cảm thì là do cách nghĩ thôi”. Huyền chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Hà, chủ cơ sở karaoke Ngân Hà trên phố Vọng, quận Hoàng Mai, Hà Nội than thở, hiện rất nhiều đồ đạc, thiết bị trong quán của anh như bàn ghế, máy móc, thang máy… đã bị chuột cắn phá, gây hư hại, không thể sử dụng bình thường nhưng do kinh tế của gia đình cũng cạn kiệt nên không gọi được thợ sửa. Mà nếu có sửa, thì vẫn để đắp chiếu rồi lại hỏng tiếp.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước khi địa phương này mở cửa, hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke cũng đã làm đơn xin cứu xét gửi các cơ quan chức năng. Chủ cơ sở karaoke Nnice cho biết họ đã thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi tháng.

“Hàng trăm người, hầu hết là lao động chính trong gia đình, bị ngừng việc, chỉ được trợ cấp ít ỏi từ doanh nghiệp, không đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu cuộc sống và việc học hành của con cái”, đại diện cơ sở này than thở. Cũng ở trong lĩnh vực kinh doanh “nhạy cảm”, hai năm qua hàng loạt những cơ sở massage lành mạnh, giúp chăm sóc sức khỏe thực sự cũng bị đóng cửa vô thời hạn.

LÁCH LUẬT ĐỂ TỒN TẠI?

Anh Trần Văn Kiên, chủ quán foot massage (massage chân) tại Đình Thôn, Hà Nội cho biết, cơ sở của anh trước đây chủ yếu phục vụ khách hàng người Hàn Quốc và một số ít người Việt. Ngay từ làn sóng Covid -19 đầu tiên, cơ sở của anh đã “dính đòn” vì vắng khách, sau đó là lệnh đóng cửa dài ngày. Cực chẳng đã, anh phải bán cơ sở của mình với mức giá khá rẻ.

“Nhưng dù sao cũng may rút chân ra kịp, chứ cứ cầm cự kiểu dở sống, dở chết thì cũng thành stress, trầm cảm mất. Hai năm qua tôi chuyển sang buôn bán online, lãi ít hơn nhưng nhẹ đầu, đỡ căng thẳng, mệt mỏi. Các ngành kinh tế khác đã được trao cơ hội để phục hồi, nhưng massage thì không”, anh Kiên bức xúc cho biết.

Cũng theo anh Kiên, hiện nay để lách luật, rất nhiều quán massage đã chuyển sang hoạt động online, tức là họ sẽ đăng thông tin trên mạng xã hội kèm số điện thoại để khách gọi tới rồi cho nhân viên đến phục vụ tại nhà. Điều này thì chẳng cơ quan quản lý nào cấm được, do vậy nếu có nguy cơ lây nhiễm thì cũng cao không kém gì các quán massage thông thường, không những vậy còn gia tăng tệ nạn xã hội nhiều hơn.

Khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021 cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Thực tế hiện nay, những cơ sở như karaoke, massage dù được cấp phép chính thức, đóng thuế bình đẳng như các ngành nghề khác, nhưng do không có hội nghề nghiệp chính danh để giúp họ kiến nghị, giải quyết những vấn đề khó khăn. Vì vậy, dù đến nay việc đóng cửa đã diễn ra triền miên, liên tục, nhưng những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh này rất suy kiệt.

Hiện tại, chưa có thống kê chính thức mỗi địa phương hiện có bao nhiêu cơ sở kinh doanh các loại hình như karaoke, massage và số lượng nhân sự phục vụ trong những cơ sở này là bao nhiêu nên không ai hình dung hết những khó khăn mà các cơ sở và người lao động đã gặp phải.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng ngành dịch vụ giải trí như karaoke, massage hay bar, vũ trường đã biến mất dần khỏi thị trường trong 2 năm vừa qua. Cứ được mở rồi lại phải đóng và thời gian đóng còn lâu hơn thời gian mở cửa.

 Theo ông Quốc Anh, cách tốt nhất lúc này là mở cửa có điều kiện, có kiểm soát để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Bởi bất kể một ngành nghề kinh doanh nào, điều quan trọng nhất là thị trường, là khách hàng, nếu không được mở cửa sẽ chết dần chết mòn.