10:10 02/05/2007

Kinh doanh vũ khí: Từ “công viên” trên biển đến hàng không mẫu hạm

Minh Hoàng

Câu chuyện Trung Quốc mua hàng không mẫu hạm “Varyag” thuộc lớp “Kuznetsov” của Hải quân Liên Xô trước đây

Một hàng không mẫu hạm lớp “Kuznetsov” của Nga.
Một hàng không mẫu hạm lớp “Kuznetsov” của Nga.
Sau “chiến tranh lạnh”, thị trường vũ khí toàn cầu mở cửa tự do và sôi động tới mức chưa từng có.

Nơi nơi người ta có thể mua được các vũ khí tối mật, nhưng nhiều thương vụ chuyển giao vũ khí vẫn phải khéo léo núp dưới các hình thức rất dân dã để tránh phiền hà và giảm giá thành tới mức một hàng không mẫu hạm được bán với giá rẻ như bùn.

Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình chính trị-quân sự trên thế giới đã thay đổi căn bản. Không còn nguy cơ đối đầu trực tiếp của hai hệ thống chính trị thế giới có thể dẫn tới chiến tranh trên quy mô lớn, vai trò của sức mạnh quân sự như là một công cụ của chính sách đối ngoại đã suy giảm đáng kể.

Nhu cầu mua bán vũ khí vẫn rất lớn

Tuy nhiên, các nhu cầu duy trì sự ổn định trật tự an ninh-quân sự trong nước, bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và khả năng phòng thủ trong thế giới đương đại vẫn đòi hỏi các nước trong cộng đồng thế giới chú ý thích đáng vào việc trang bị các phương tiện chiến tranh hiện đại cho quân đội của họ.

Trong khi đó, cơ sở công nghiệp quân sự của đa số các nước trên thế giới không có khả năng đáp ứng tất cả các nhu cầu về trang bị cho quân đội quốc gia. Vì thế, nhu cầu đó phải được đáp ứng thông qua hoạt động nhập khẩu, đưa hoạt động buôn bán vũ khí và trang bị vào một trong những vị trí nổi bật nhất trong hệ thống thương mại quốc tế.

Cũng vào giai đoạn đó, dưới tác động của sự phát triển tăng tốc của khoa học và công nghệ quân sự, vũ khí trang bị vừa dư thừa, vừa chóng bị lạc hậu, tạo ra một thị trường trang bị vừa rẻ, vừa rất đa dạng.

Đã có lúc, một chiếc xe tăng T-72 trang bị trong Lục quân Liên Xô trước đây đã từng là mục tiêu săn lùng bí mật quân sự của Cục Tình báo trung ương Mỹ, đã được bán trên thị trường chợ đen với giá chỉ tương đương với 1 chiếc máy tính để bàn lắp ráp ở Đông Nam Á. Hoặc một khẩu súng AK-47 huyền thoại của Nga, niềm mơ ước của các du kích quân ở nhiều quốc gia, được bán với giá chưa đủ để mua đĩa bít tết trong các nhà hàng Paris!

Tình trạng ứ đọng vũ khí trang bị trên toàn cầu đã làm tăng thế mạnh của người mua, thậm chí thúc đẩy các hãng sản xuất chuyển nhượng cả bí quyết công nghệ đúng vào lúc ngày càng có nhiều nước công nghiệp mới đang tạo dựng nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

Khuynh hướng này thể hiện rõ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá nhanh đã giúp các quốc gia theo đuổi các chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng. Có thể nói, đây là một “cơ hội vàng” cho những nước nghèo nhưng có nhu cầu thực tế xây dựng và hiện đại hoá quân đội.

Nhiều nước biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và kịp thời có chiến lược mua sắm vũ khí trang bị với giá rẻ, sau đó nâng cấp, cải tiến bằng cách tích hợp những thành tựu công nghệ quân sự tiên tiến nhất, tạo ra những phương tiện hiện đại phù hợp với điều kiện sử dụng trong quân đội của từng nước, vừa đáp ứng yêu cầu chiến lược xây dựng một quân đội hiện đại hoá ở mức hợp lý tương xứng với vị thế của họ trong đầu thế kỷ 21.

Họ không bị cuốn hút vào dòng xoáy của cuộc cách mạng kỹ thuật quân sự như Mỹ, Tây Âu, mà chỉ nhằm hướng tới các yêu cầu và thách thức về quốc phòng-an ninh của họ. Trong điều kiện đó, các quốc gia có thể mua được đủ mọi thứ, từ công nghệ chế tạo tên lửa vượt đại châu đến công nghệ chế tạo bom nguyên tử.

Nhưng trên thực tế, để làm được điều đó, nhiều quốc gia đã phải tiến hành các thương vụ tinh vi, núp dưới hình thức các hợp đồng nhằm mục đích dân sự rất dân dã, để che đậy ý đồ thực sự. Chuyện Trung Quốc mua hàng không mẫu hạm “Varyag” thuộc lớp “Kuznetsov” của Hải quân Liên Xô trước đây là một thí dụ thường được các bậc “trưởng lão” trong lĩnh vực buôn bán vũ khí trên thị trường trang bị quốc tế đưa ra bàn thảo trong các tiệc trà kín.

Mua tầu sân bay cũ làm “công viên trên biển”?

Để mua một chiếc tàu sân bay với đầy đủ trang thiết bị, chưa kể các máy bay chiến đấu bố trí trên boong, đã phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ, ít nhất 3-4 tỷ USD. Thí dụ, 14 chiếc tàu sân bay của Mỹ, NATO và các nước khác đã được rao bán với giá hơn 31,6 tỷ USD.

Đối với Trung Quốc, một quốc gia mới bắt đầu “ăn nên làm ra”, đang có nhu cầu hiện đại hoá Hải quân bằng tàu sân bay, thì việc bỏ ra một khoản tiền lớn như thế để mua một hàng không mẫu hạm “xịn” là chuyện quá “xa xỉ”.

Vào khoảng đầu năm 1998, Trung Quốc đang hoạch định chiến lược hiện đại hoá Hải quân, nhằm đưa lực lượng này từ vị thế chỉ hoạt động trên “biển gần”, từng bước vươn ra “biển xa”. Để thực hiện ý định chiến lược đó, Trung Quốc rất cần công nghệ đóng tàu sân bay, một thứ công nghệ vô cùng tinh vi, phức tạp và tốn kém đến nhiều tỷ Đôla để nghiên cứu phát triển công nghệ mà chỉ có các cường quốc quân sự và kinh tế có “máu mặt” như Mỹ và Liên Xô trước đây và Nga ngày nay có được.

Thế là, các chuyên gia kỹ thuật quân sự Trung Quốc quyết định đi theo con đường học hỏi, bắt chước hoặc sao chép công nghệ chế tạo tàu sân bay của nước khác. Trong lĩnh vực này, người Trung Quốc có biệt tài thực sự và nổi tiếng khắp thế giới. Thí dụ gần đây nhất đã từng gây “sốc” đối với Bill Gates, ông chủ công ty phần mềm máy tính Microsoft, là trong khi Bill Gates tổ chức họp báo để chính thức tung ra thị trường hệ điều hành máy tính Windows Vista mới nhất với giá 200-300 USD trên thị trường thế giới thì ở Trung Quốc, một đĩa CD cài đặt chương trình này được bán chào với giá như cho không: 1 Euro! Quả là một thí dụ về “khả năng thần kì” trong lĩnh vực sao chép công nghệ.

Trở lại với câu chuyện mua tàu sân bay của Trung Quốc. Đầu năm 1998, sau một quá trình thương thảo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Ukraina, ông Roman Shpek, đã quyết định bán hàng không mẫu hạm Varyag, di sản do Nga để lại cho nước này sau khi Liên Xô sụp đổ, với giá bán sắt vụn là 20 triệu USD, cho Công ty TNHH Du lịch giải trí Chong Lot Travel Agency Ltd. của Hồng Kông.

Theo kế hoạch chuyển giao, tàu Varyag sẽ được chuyển từ một căn cứ trên Biển Đen của Ucraina, đi xuyên kênh đào Suez, sau đó vòng qua Đông Nam Á và cuối cùng tới Macao. Công ty Chong Lot Travel Agency Ltd. tuyên bố rằng con tàu cũ nát đó sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành “công viên nổi trên biển” và đưa vào trưng bày tại một khu vui chơi giải trí và sòng bạc ở Macao.

Trong bản hợp đồng ký kết với Ukraina, có quy định rằng “bên mua không được sử dụng hàng không mẫu hạm Varyag vào mục đích quân sự”. Trước khi con tàu được chuyển giao, phía Ucraina đã dỡ bỏ hết các thiết bị điện tử trên tàu và toàn bộ máy móc quan trọng, trước hết là động cơ, để nó không thể trở thành một chiến hạm.

Trước khi bị đưa ra “làm thịt” để chuyển bộ xương cho Công ty Chong Lot Travel Agency Ltd., tàu Varyag là một hàng không mẫu hạm thuộc lớp tàu sân bay lừng danh thuộc lớp Kuznetsov, chuyên dùng để chở các máy bay chiến đấu có nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, chống tàu ngầm và chống chiến hạm nổi.

Hồi sinh từ các chuyên gia công nghệ

Đến tháng 3 năm 2002, sau ba năm bị trì hoãn do phía Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không cho Công ty Chong Lot Travel Agency Ltd. chuyển tàu Varyag qua eo biển Bosporus chủ quyền của nước này, cuối cùng chiếc chiến hạm “đồng nát” cũng tới được xưởng đóng tàu Dalian Shiyard phía bắc Trung Quốc để phục hồi lại.

Ngay sau khi Varyag được đưa vào dây chuyền phục chế ở xưởng đóng tàu Dalian Shiyard, các chuyên gia công nghệ Trung Quốc bắt đầu tiến hành công việc tháo lắp, tân trang, phục chế rất phức tạp và tốn không ít tiền của. Dĩ nhiên, chi phí này không đáng là bao so với việc nghiên cứu phát triển một con tàu mới.

Chẳng bao lâu sau, dưới bàn tay như có tác dụng “phù phép” của các chuyên gia công nghệ Trung Quốc, nó đã được “hồi sinh” thực sự, không phải để làm một thứ “đồ giải trí”, mà là một chiến hạm. Sau đó, tàu Varyag đã được chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc nhằm mục đích nghiên cứu và phục vụ huấn luyện quân sự trên biển.

Để hoàn toàn cải biến Varyag thành hàng không mẫu hạm, Trung Quốc dự kiến phát triển một kiểu máy bay chiến đấu có thể cất và hạ cánh trên tàu sân bay trong tương lai. Theo các nguồn tin từ phía Nga, Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu phát triển động cơ máy bay có khả năng điều khiển hướng lực đẩy (TVC) để lắp cho máy bay chiến đấu Chengdu J-10 có cất và hạ cánh trên tàu sân bay. Hệ thống động cơ TVC có tác dụng giảm thiểu tốc độ khi máy bay hạ cánh, một yếu tố rất quan trọng tạo nên độ an toàn rất cao cho các máy bay trên tàu sân bay.

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, Trung Quốc sẽ phát triển máy bay chiến đấu của hải quân SU-33 từ máy bay chiến đấu cơ SU-27 mua công nghệ của Nga, để trang bị cho các hàng không mẫu hạm trương tương lai, trước hết là trên chiến hạm Varyag sau khi được phục chế hoàn toàn.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phát triển máy bay lên thẳng làm nhiệm vụ trinh sát và cảnh báo trên không (AEW), giống như máy bay trực thăng hải quân Kamov Ka-31 của Nga.

Như vậy, trong một tương lai không xa nữa, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sẽ xuất hiện trên các đại dương, bắt đầu từ một bản hợp đồng mua tàu sân bay “đồng nát” làm phương tiện vui chơi giải trí trên biển.