Kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá cao
Bất ổn địa chính trị tạo nên những đứt gãy về đầu tư và thương mại khiến giá xăng dầu thế giới sáng nắng chiều mưa, nay tăng mai giảm, rất phức tạp
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, mặc dù đạt mức tăng trưởng tốt tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, bất ổn địa chính trị khiến giá xăng dầu diễn biến phức tạp hơn.
Hôm 12/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành tài chính năm 2019 nhằm đánh giá tình hình thực hiện tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm.
Kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá cao
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, 6 tháng qua tình hình thế giới phức tạp tuy nhiên kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, đảm bảo giữ được lạm phát ở mức cho phép, tăng trưởng GDP luôn đạt 6,67%, cao hơn giai đoạn những năm 2011 - 2017.
"Ở trong nước thì thấy bình bình vậy thôi, nhưng thực tế khi tôi ra nước ngoài họ đánh giá chúng ta rất cao. Tôi đi Myanmar, Hàn Quốc, gặp những tập đoàn lớn họ đều cho rằng Việt Nam có kinh nghiệm tốt trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đáng cho họ học tập", Phó thủ tướng cho biết.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên Phó thủ tướng cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, trong bối kinh tế thế giảm tốc, đầu tư và thương mại sụt giảm, cùng những rủi ro về địa chính trị ở một số khu vực, ngoại trừ Mỹ giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác đều giảm.
Thậm chí, Nhật Bản còn tăng trưởng âm, Ấn Độ trong năm 2018 tăng trưởng hơn 7%, song 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn 6%.
"Bất ổn địa chính trị tạo nên những đứt gãy về đầu tư và thương mại khiến giá xăng dầu thế giới sáng nắng chiều mưa, nay tăng mai giảm, rất phức tạp", Phó thủ tướng nhận xét.
Dẫn nghiên cứu của các tổ chức thế giới, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 chỉ khoảng 2,67%, thấp nhất kể thời điểm từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 tới nay.
Đối với tình hình kinh tế - xã hội trong nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá lạm phát vẫn hiện hữu, một số động lực tăng trưởng đối mặt với nguy cơ bị chững lại. Thêm vào đó, tình hình thời tiết phức tạp, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn giảm về giá và số lượng.
Kết quả điều hành thu chi ngân sách 6 tháng khá tích cực. Thu đạt 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và là mức tăng cao nhất từ năm 2015. So sánh tốc độ tăng thu ngân sách cao gần gấp đôi tăng trưởng GDP.
Cơ cấu nợ đã đảo chiều
Về công tác tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét, từ năm 2016 tới nay, việc cơ cấu thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững nợ công đều thực hiện tốt.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, trong 100 đồng nợ thì nợ nước ngoài tới 60 đồng, nợ trong nước là 40 đồng, còn nay đã đảo chiều, nợ nước ngoài chỉ còn 40 đồng, nợ trong nước là 60 đồng.
"Điều này vừa tránh được rủi ro tỷ giá, vừa huy động nội lực trong nước", Phó thủ tướng Vương Đinh Huệ nhận định.
Tương tự với vốn ODA, trước đây cấp phát hết, bây giờ chỗ nào khó khăn nhất thì Nhà nước cấp phát 90%, còn lại vay 10%. Chỗ nào khá thì tỷ lệ vay lại rất cao, điều này giảm thiểu rủi ro nợ công lại.
"Vừa rồi, chỉ số nợ nước ngoài ngoài quốc gia, đặc biệt ở khu vực tư tăng lên, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, kéo xuống mức an toàn. Trước đây, tỷ lệ này thường ở mức trên 49%, trong khi giới hạn Quốc hội đưa ra là 50%. Điều này đạt được do quy mô GDP Việt Nam tăng lên, Chính phủ cũng kiểm soát chặt các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp", Phó thủ tướng nói.
Đối với nhiệm vụ của ngành tài chính trong 6 tháng cuối năm 2019, Phó thủ tướng cho rằng, thu ngân sách sẽ xuất hiện khó khăn do thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI và doanh nghiệp tư nhân có xu hướng giảm, không được như 6 tháng đầu năm.
Trong đó, tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm, tỷ lệ thu ngân sách còn thấp như Tp.HCM mới đạt tỷ lệ hơn 48%, tình trạng giảm thu xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, một số trọng điểm thu khác cũng khó thu như Đồng Nai.
"Rõ ràng, thách thức thu ngân sách vẫn ở phía trước, ta cần phân tích kỹ nguyên nhân giải pháp phù hợp để phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước 5%", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Từ đó, Phó thủ tướng chỉ đạo về dài hạn cần phải rà soát, có đường hướng dài hạn điều chỉnh chính sách thu để nuôi dưỡng và tăng tỷ lệ điều tiết trong một số lĩnh vực như tiêu thụ đặc biệt- vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT...
Bộ Tài chính cũng cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép.