16:25 12/05/2008

Kinh tế Mỹ: Bình minh phía chân trời?

Kiều Oanh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng ở nước này có thể đã qua đi

“Tình hình đã được cải thiện. Tôi cho rằng, chúng ta đang ở gần điểm kết thúc của cuộc khủng hoảng này”, ông Paulson lạc quan nhận định.
“Tình hình đã được cải thiện. Tôi cho rằng, chúng ta đang ở gần điểm kết thúc của cuộc khủng hoảng này”, ông Paulson lạc quan nhận định.
Trong một bài trả lời phỏng vấn hãng tin AP mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson cho rằng, thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng ở nước này có thể đã qua đi.

Theo ông, những số liệu mới công bố gần đây về “sức khỏe” nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng cho thấy điều này.

“Tình hình đã được cải thiện. Tôi cho rằng, chúng ta đang ở gần điểm kết thúc của cuộc khủng hoảng này”, ông Paulson lạc quan nhận định.

Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận, nhiều khó khăn vẫn chờ nền kinh tế lớn nhất thế giới ở phía trước.

Những “phương thuốc liều cao”

Từ mùa hè năm ngoái, trạng thái đóng băng kéo dài của thị trường địa ốc, tình trạng thắt chặt tín dụng và giá dầu tăng vọt đã “hợp sức” đẩy kinh tế Mỹ tới bờ vực suy thoái. Để ngăn chặn tình hình xấu đi, các cơ quan chức năng của Mỹ đã liên tiếp áp dụng nhiều biện pháp mạnh.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 7 lần cắt giảm lãi suất USD liên tiếp, đưa lãi suất đồng tiền này từ mức 5,25% vào giữa tháng 9/2007 xuống còn 2% hiện nay. FED cũng liên tục tăng mức bơm vốn định kỳ vào hệ thống tài chính, và giải quyết êm thấm vụ tập đoàn tài chính lớn thứ 5 của nước này là Bear Stearns thiếu chút nữa thì phá sản. Cấp cho tập đoàn JP Morgan Chase khoản vay 30 tỷ USD, FED đã sắp xếp để JP Morgan Chase mua lại Bear Stearns với giá “rẻ như cho” là 2 USD/cổ phiếu.

Ngoài ra, không thể không kể đến cuộc “đại cải tổ” chức năng của FED. Với thay đổi mang tính cách mạng này, FED trở thành một nguồn cho vay trực tiếp mới đối với các tập đoàn tài chính, thay vì chỉ cấp vốn cho các ngân hàng thương mại như trước đây.

Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng thông qua kế hoạch kích thích kinh tế cả gói trị giá 168 tỷ USD mà Tổng thống Bush đề xướng, theo đó cắt giảm thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở nước này, nhằm khuyến khích hoạt động tiêu dùng và tạo mới việc làm.

Và tới lúc này, những biện pháp nói trên xem ra đã phát huy tác dụng phần nào. Theo những số liệu mới công bố tuần trước, năng suất lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 2,2%, trong quý 1 vừa qua, một mức tăng ngoài dự kiến của giới quan sát. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 4/2008 đã lần đầu tiên tăng trưởng kể từ tháng 12 năm ngoái.

Một thông tin đáng chú ý nữa là thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 3 đã giảm nhiều hơn dự báo, từ mức 61,7 tỷ USD trong tháng 2 xuống còn 58,2 tỷ USD, nhờ nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu tăng mạnh nhờ đồng USD yếu.

Trước đó, báo cáo vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số lượng người bị mất việc làm tại nước này trong tháng 4 chỉ là 20.000 người, thấp bất ngờ so với mức dự báo trước đó là 75.000 và con số 81.000 người của tháng 3. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 5%, giảm so với mức 5,1% hồi tháng 3.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù vậy, thị trường nhà đất Mỹ vẫn trên đà sụt giảm, với giá nhà và số lượng nhà được bán cùng đi xuống. Mới chỉ hai ngày trước khi ông Paulson đưa ra nhận định lạc quan nói trên về kinh tế Mỹ, một nhân vật nhiều ảnh hưởng khác là đương kim Chủ tịch FED Ben Bernanke tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng, cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ còn tiếp tục có ảnh hưởng trên diện rộng tới nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, theo một số nhà bình luận, nhận định của ông Paulson có cơ sở hơn nhờ những số liệu nóng hổi về tình hình kinh tế nước này. Bên cạnh đó, quan điểm của ông Paulson còn nhận được sự đồng tình của một nhân vật quan trọng khác - cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan. Theo hãng tin CNBC của Mỹ, ông Greenspan cũng cho rằng, thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng tại nước này đã qua đi.

Mặc dù lạc quan, ông Paulson cũng cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn còn phải đương đầu với không ít thách thức trong thời gian tới. Trong đó, áp lực lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu và lương thực, thực phẩm liên tục leo thang là một khó khăn nổi bật.

Với mức giá dầu thô liên tiếp lập kỷ lục và đã vượt 126 USD/thùng, giá xăng tại Mỹ cũng được đẩy vượt ngưỡng 3,6 USD/gallon, cao chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng hiện nay, giá xăng ở mức này là một trở ngại lớn đối với lĩnh vực tiêu dùng ở Mỹ - vốn chiếm tới 3/4 GDP của nước này. Giá nhiên liệu cao buộc người tiêu dùng phải giảm chi tiêu đối với những mặt hàng khác để bù đắp cho khoản chi vào nhiên liệu.

Theo hãng tin Bloomberg, nguy cơ lạm phát tăng tốc do giá nhiên liệu cao đã khiến một số nhà quan sát dự báo việc FED sẽ tăng lãi suất đồng USD. Tuy nhiên, đa phần chuyên gia vẫn nghiêng về khả năng FED sẽ duy trì lãi suất đồng tiền này ở mức 2% như hiện nay.

Theo ông Paulson, có thể giá nhiên liệu cao sẽ làm giảm bớt đáng kể tác dụng của chương trình cắt giảm thuế của Chính phủ Mỹ đối với việc kích thích hoạt động tiêu dùng. Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng, đến cuối năm nay, chương trình này dù ít dù nhiều sẽ phát huy tác dụng tích cực đối với nền kinh tế, giúp tạo thêm 500.000 việc làm mới.

Ông Paulson cũng cho biết, hiện Chính phủ Mỹ chưa nghĩ tới một kế hoạch kích thích kinh tế tiếp theo và đang tập trung vào việc hoàn thuế cho các đối tượng nộp thuế trong chương trình hiện tại.

Cuộc trả lời phỏng vấn của ông Paulson diễn ra cùng ngày với việc Tổng thống Bush cho biết, ông có thể phủ quyết một kế hoạch lớn nhằm trợ giúp thị trường bất động sản mà Quốc hội Mỹ đang cân nhắc. Ông Paulson nhận xét, kế hoạch này là quá lớn vì dự định cung cấp tới 300 tỷ USD tiền vay mới cho những người vay mua nhà trước đây và đang có nguy cơ vỡ nợ. Dự kiến, Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục bàn thảo để đi tới một khoản hỗ trợ có thể chấp nhận được.