Kinh tế Mỹ giảm mạnh nhất từ năm 1946
Mức tăng 4% trong quý 4/2020 của kinh tế Mỹ không đủ để bù đắp cho cú giảm chóng mặt trong 2 quý đầu năm
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 4% trong quý 4/2020, một mức tăng không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, con số này không đủ để bù đắp cho cú giảm chóng mặt của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 2 quý đầu năm.
Trang CNN Business dẫn báo cáo ngày 28/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết tính cả năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 3,5% so với năm 2019. Đây là mức giảm mạnh nhất của kinh tế Mỹ kể từ năm 1946 và là lần đầu tiên GDP hàng năm của Mỹ giảm kể từ năm 2009 - năm mà nền kinh tế nước này giảm 2,5% do khủng hoảng tài chính.
Về con số tuyệt đối, GDP của Mỹ đạt 20,9 nghìn tỷ USD trong năm 2020, so với mức 21,4 nghìn tỷ USD của năm 2019.
Năm ngoái chứng kiến việc nước Mỹ trải qua cú sốc kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1930. Trong quý 2, nền kinh tế này giảm 31,4% - mạnh nhất trong lịch sử - do ảnh hưởng từ đợt phong tỏa đầu tiên để chống dịch. Trong quý 3, kinh tế Mỹ hồi phục mạnh, tăng trưởng 33,4%, nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho cú giảm của quý 2.
Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi hành động mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế, đồng thời cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra khó có thể sớm kết thúc. Ông Biden đã đề xuất một gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và tính chi thêm 2 nghìn tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng sạch.
Hôm thứ Tư tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định rằng triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào tình hình bệnh dịch.
Cũng trong quý 4, tiêu dùng ở Mỹ tăng 2,5%, so với mức tăng 41% trong quý 3. Sự giảm tốc này phản ánh những biện pháp phong tỏa mới và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm.
Tăng trưởng đầu tư của các doanh nghiệp và tăng trưởng của ngành địa ốc góp phần vào sự hồi phục của nền kinh tế. Dù vậy, vẫn có nhiều vấn đề gây lo ngại, như thu nhập khả dụng giảm 9,5% và tỷ lệ tiết kiệm ở mức cao 13,4%. Đối với một nền kinh tế có mức độ phụ thuộc vào tiêu dùng lớn như Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cao là một dấu hiệu không khả quan.
Theo giới chuyên gia kinh tế, các điều kiện kinh tế Mỹ có thể sẽ không thay đổi nhiều trong năm 2021. Tuy nhiên, tình hình có thể khởi sắc nhờ chiến dịch tiêm chủng tiếp tục diễn ra và thời tiết mùa xuân ấm áp hơn sẽ khuyến khích người tiêu dùng ra ngoài nhiều hơn.
"Hiệu quả của vaccine mang lại cơ hội lập lại bình thường tại một thời điểm nào đó trong năm nay. Chính quyền ông Biden cũng muốn kích cầu nhiều hơn. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng GDP của Mỹ có thể tăng 6,5% trong năm nay", chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của Capital Economics, ông Paul Ashworth, nhận định.