Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Á năm 2020
Một thành tựu đạt được nhờ không có quý tăng trưởng âm nào giữa lúc nhiều nền kinh tế trên toàn cầu bị “nhấn chìm” bởi đại dịch Covid-19
Việt Nam có thể là nền kinh tế đạt mức tăng trưởng tốt nhất ở khu vực châu Á trong năm 2020, một thành tựu đạt được nhờ không có quý tăng trưởng âm nào giữa lúc nhiều nền kinh tế trên toàn cầu bị "nhấn chìm" bởi đại dịch Covid-19.
Theo hãng tin CNBC, đến thời điểm hiện tại, nhiều nền kinh tế ở châu Á còn chưa công bố kết quả tăng trưởng quý 4 và cả năm 2020. Tuy nhiên, dữ liệu và dự báo từ các nguồn chính thức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Việt Nam đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vượt trội so với tất cả các nền kinh tế khác trong khu vực trong năm qua.
Cả năm, GDP của Việt Nam tăng 2,9%, cao hơn mức tăng 2,3% của Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất hâu Á.
"Với kết quả này, Việt Nam đã có được một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong một năm mà phần còn lại của thế giới chìm sâu trong suy thoái", một báo cáo mới đây của Bank of America Global Research nhận xét.
Việc kiểm soát tốt Covid-19 là một cơ sở quan trọng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2020. Tính đến ngày 26/1, Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong vì Covid. Thành công của Việt Nam trong công tác chống dịch được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là một mô hình để các quốc gia đang phát triển có thể học theo.
Bank of America Global Research dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, với tốc độ tăng có thể đạt 9,3% - một con số cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 6,7% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Việt Nam.
Ngành sản xuất đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Cỗ máy sản xuất của Việt Nam đã có một năm vận hành mạnh mẽ nhờ nhu cầu vững vàng của thị trường thế giới đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới.
"Việt Nam hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển/đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trong mấy năm gần đây. Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy có dư địa lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới", Fitch Solutions nhận định trong một báo cáo ra tháng 12.
Theo báo cáo, việc Việt Nam đạt một loạt thỏa thuận tự do thương mại (FTA) mới, chẳng hạn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA với Anh và FTA với Liên minh châu Âu (EU), có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng chảy thương mại.
Một rủi ro tiềm tàng đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là khả năng bị Mỹ áp thuế, theo chuyên gia kinh tế Gareth Leather của Capital Economics. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tỷ giá, nhưng Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) mới đây ra phán quyết chưa áp thuế lên hàng hóa Việt Nam.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng Mỹ trước mắt sẽ chưa có động thái nào đối với Việt Nam, một phần vì chính quyền Tổng thống Joe Biden "có thể sẽ không cứng rắn trong vấn đề này như chính quyền ông Trump".
Đầu năm ngoái, ngành dịch vụ của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng về cuối năm, ngành này đã dần hồi phục.
Các chuyên gia cho rằng sự hồi phục của ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, sẽ quyết định khi nào kinh tế Việt Nam lấy lại được xu hướng tăng trưởng trước đại dịch.
Chuyên gia Leather cho rằng triển vọng của ngành du lịch Việt Nam là yếu ớt. Dù vậy, ông vẫn dành cho Việt Nam mức dự báo tăng trưởng kinh tế 10% trong năm 2021, một trong những con số lạc quan nhất.
"Đến cuối năm 2021, chúng tôi cho rằng GDP của Việt Nam chỉ còn thấp hơn 1,5% so với mức lẽ ra đạt được nếu không xảy ra đại dịch. Đây là một trong những mức chênh lệch thấp nhất khu vực", ông Leather nhận định. "Triển vọng yếu ớt của ngành du lịch sẽ tiếp tục gây trì hoãn một sự phục hồi hoàn toàn, và là lý do chính khiến chúng tôi cho rằng một mức chênh lệch sản lượng nhỏ sẽ tiếp tục duy trì".