09:14 17/09/2021

Kinh tế số, thương mại điện tử là chìa khóa tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới

Hồng Vinh

Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số; cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp; khuyến khích và đẩy mạnh thương mại điện tử…

Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra sáng 16/9.
Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra sáng 16/9.

Ngày 16/9, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức tọa đàm chủ đề “Kinh tế số - chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới”. Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. 

LÚNG TÚNG TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ SỐ

Theo ông Hiển, mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như: môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số... Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ.

 
"Môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số... Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ."
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương.

Tại tọa đàm, các chuyên gia và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại điện tử, giao hàng công nghệ, dịch vụ điện tử và tài chính, truyền thông đa phương tiện... đã trao đổi các xu hướng phát triển mới của kinh tế số Việt Nam; làm rõ những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất những chính sách cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số; cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp; khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, phát triển bền vững.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW và phục vụ xây dựng Báo cáo đánh giá 2 năm tình hình triển khai Nghị quyết này, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm giúp phát triển kinh tế số, nhất là hoạt động thương mại điện tử, cũng như chia sẻ những vướng mắc, kiến nghị để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Trước mắt, Ban Kinh tế Trung ương sẽ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10/2022.

Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP.

DỊCH COVID-19 CÚ HUÝCH THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trực thuộc Bộ Công Thương cho biết, đại dịch bùng phát nhưng chưa có thời điểm nào thương mại điện tử phát triển mãnh mẽ hơn bao giờ hết.

 
Dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong các năm gần đây khoảng 30-35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử.

Đặc biệt, dịch Covid-19 như một cú huých đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong các năm gần đây khoảng 30-35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.

Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Tiki, cho biết: Tiki đã được hưởng những chính sách cởi mở hơn, làm chủ được công nghệ, áp dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thậm chí thử nghiệm robot trong quá trình vận chuyển hàng hóa tại kho bãi. Quá trình logistics trong và ngoài vũng giãn cách của sàn cũng nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành…

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết lượng truy cập vào sàn của doanh nghiệp gấp rưỡi, số lượng đơn hàng gấp ba, việc mua bán trên mạng tốt nhưng một sự thật là Shopee đang gặp khó khăn để cung ứng dịch vụ này đến với người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng thông tin, thời gian qua các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng chịu ảnh hưởng nặng bởi hoạt động giãn cách xã hội tại các thành phố lớn. VECOM cùng các doanh nghiệp đã kiến nghị các bộ, ban, ngành ưu tiên cho shipper được di chuyển cũng như được lưu thông, giao hàng hoá liên quận. Cho đến nay, một số địa phương đã có hỗ trợ và ưu tiên cho các hoạt động của shipper hơn.

Ngoài ra, VECOM cũng tiếp nhận nhiều thông tin về ứng dụng chuỗi khối (blockchain), thu gọi vốn từ các sàn thương mại điện tử cũng như từ các nền tảng blockchain toàn cầu để gia tăng giá trị gọi vốn trong thời gian dịch bệnh thông qua Internet và có thành công đáng kể.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương từ 2016 đến nay, doanh số thương mại điện tử tăng bình quân 25-30%/năm. Dự kiến đến 2025, doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng qua các phương tiện điện tử (B2C) là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm; đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì đến 2025 sẽ là 600 USD/năm.