07:46 24/06/2010

Kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm sẽ ra sao?

Tràng An

Không ai cho rằng, 2010 sẽ là một năm suôn sẻ đối với thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Vẫn còn nhiều rủi ro trong 6 tháng còn lại - Ảnh: Corbis.
Vẫn còn nhiều rủi ro trong 6 tháng còn lại - Ảnh: Corbis.
Không ai cho rằng, 2010 sẽ là một năm suôn sẻ đối với thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và thực tế điều đó chưa từng xảy ra.

Theo Reuters, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trong tháng 5, là bằng chứng mới nhất cho thấy một năm đầy biến động, vốn được bắt đầu với sự lạc quan trong thận trọng của các nhà đầu tư đang cố gắng tìm hướng đi giữa các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, khủng hoảng và cải tổ chính sách.

Khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại châu Âu đã khiến đồng Euro giảm xuống dưới 1,2 USD, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi về sức mạnh của đồng tiền này.

Trong một báo cáo tư vấn khách hàng mới đây của BNP Paribas đã viết: “Những cú sốc tiêu cực, đặc biệt là từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sẽ đẩy nhanh nhịp độ suy giảm của Euro, trong khi một môi trường ổn định hơn sẽ bảo đảm đồng Euro giảm có thứ tự hơn nhưng vẫn đáng kể”.

Tình trạng mất giá của đồng Euro và sự lao dốc của thị trường chứng khoán cùng bức tranh u tối xuất phát từ thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico (Mỹ) đã tạo nên một tình huống đầy hỗn độn.

Trong một hoàn cảnh như vậy, khó có thể đổ lỗi cho các nhà đầu tư về phản ứng thiếu kiềm chế của họ.

Hai lần trong tháng 5 vừa qua, chỉ số cho thấy mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư ở Phố Wall (VIX), đã vượt ngưỡng 40 điểm. Điều này cho thấy, sự bất ổn trên thị trường ở mức độ khá cao.

Mô hình phục hồi theo hình răng cưa xen kẽ với các đợt bán tháo, đã nêu bật sự thiếu thuyết phục của các thị trường trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê về dòng tiền của EPFR Global, tiền mặt tiếp tục chảy vào các kênh đầu tư có thu nhập cố định khiến lượng tiền vào cổ phiếu sụt giảm.

Lựa chọn kênh đầu tư nào?

Bất kể nền kinh tế ở các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục tăng trưởng, thị trường chứng khoán ở nhóm quốc gia này vẫn sụt giảm, thậm chí mạnh hơn cả những nước phát triển nặng nợ. Trong khi đó, các kênh đầu tư an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn luôn là sự lựa chọn của nhà đầu tư.

Điều này khiến việc lựa chọn kênh đầu tư càng trở nên cấp thiết hơn.

“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay, chúng tôi tiếp tục giảm tỷ trọng đầu tư ở châu Âu và các nước phát triển khác, trong khi tăng cường đầu tư vào nhóm cổ phiếu của những công ty nhỏ và vừa ở Mỹ, các nước mới nổi, hai thị trường Canada và Australia”, chuyên gia Smith Barney của Morgan Stanley cho hay.

Kết quả điều tra mới đây của hãng tin Reuters đối với 47 nhà đầu tư thuộc các tổ chức hàng đầu thế giới cho thấy, trong danh mục đầu tư, tỷ lệ cổ phiếu trong tháng 5 giảm xuống 52,3%, từ mức 52.8% trong tháng 4.

Các nhà phân tích chứng khoán ước tính, tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu đạt 32% trong vòng 12 tháng tới, theo số liệu của Thomson Reuters StarMine.

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng tới sẽ đạt 36%.

Dự kiến các công ty nguyên vật liệu và tài chính sẽ dẫn đầu trong mức tăng trưởng lợi nhuận này. Tuy nhiên, những yếu tố này có thể bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo Barclays Capital, đối với nền kinh tế Mỹ, sự bùng nổ lợi nhuận doanh nghiệp là một dấu hiệu lạc quan cho hoạt động kinh tế. Tổ chức này cho biết, tính từ năm 1950 tới nay, chỉ có 6 lần, lợi nhuận doanh nghiệp tăng từ 30% trở lên.

“Sau mỗi thời kỳ như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế sẽ đạt ít nhất 3% trong năm tiếp theo và tăng trưởng việc làm đạt 1,9% hoặc hơn”, Barclays nhận định.

Vẫn còn nhiều rủi ro

Con đường phía trước có khả năng không suôn sẻ hơn bao nhiêu so với tình hình 6 tháng đầu năm.

Về mặt tích cực, kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu phục hồi, với tỷ lệ việc làm trong tháng 5 tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp. Mặc dù GDP quý 1 bị điều chỉnh giảm nhẹ từ 3,2% xuống 3%, nhưng đà hồi phục vẫn tỏ ra vững chắc, bất kể khủng hoảng tín dụng ở châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn ở cả khu vực kinh tế và chính trị.

20 tháng sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers, Mỹ đã thông qua đạo luật cải cách quy định thị trường tài chính. Đạo luật này có khả năng sẽ thu hẹp lợi nhuận của các ngân hàng, nhà môi giới và nhà quản lý quỹ trên thị trường tài chính Phố Wall.

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng của châu Âu, nhằm cố gắng ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ công, có khả năng sẽ kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế ở khu vực này trong nhiều năm tới, khiến nhà đầu tư nản chí và rút tiền mặt ra khỏi Eurozone.

Gói giải cứu trị giá 1.000 tỷ USD của Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bất quá chỉ là một giải pháp tình thế.

Hoạt động sản xuất toàn cầu mặc dù vẫn được mở rộng, nhưng đã chậm lại trong tháng 5. Các chính phủ không vội vã cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế. Điều đó cho thấy, những rủi ro với các doanh nghiệp đi vay sẽ được dỡ bỏ.

Lãi suất cơ bản trên toàn cầu dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp cho tới hết năm 2010 nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế, và điều này sẽ mang tới nhiều cơ hội.