08:57 30/07/2007

Kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh

Trung Việt

IMF vừa công bố, kinh tế thế giới trong hai năm 2007 và 2008 sẽ tăng 5,2%, cao hơn 0,3% so với mức dự báo trước đó

Nhật Bản và EU được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng thêm 0,3% lên 2,6% trong năm 2007.
Nhật Bản và EU được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng thêm 0,3% lên 2,6% trong năm 2007.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố, kinh tế thế giới trong hai năm 2007 và 2008 sẽ tăng 5,2%, cao hơn 0,3% so với mức dự báo trước đó nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của những nền kinh tế đang trỗi dậy, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Theo IMF, Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 11,2% trong năm 2007, cao hơn 1,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4, kinh tế Ấn Độ có thể tăng 9% và Nga là 7%.

Tăng trưởng mạnh ở hầu hết các khu vực

IMF đánh giá, mức đóng góp của ba thị trường Trung Quốc, Nga, Ấn Độ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2007.

IMF hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm 2007 của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ xuống còn 2% khi quốc gia này chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7% trong quý 1 vừa qua. Tuy nhiên, IMF vẫn lạc quan về tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong tương lai, giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2,8% năm 2008.

Nhật Bản và EU cũng được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng thêm 0,3% lên 2,6% trong năm 2007. Mức dự báo năm 2008 của Nhật Bản dự kiến đạt 2% (tăng 0,1%) và EU đạt 2,5% (tăng 0,2%).

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại, tình trạng giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng vọt gần đây có thể dẫn đến sự gia tăng lạm phát trên toàn thế giới trong bối cảnh giá dầu mỏ, giá thực phẩm đang leo thang kèm theo các áp lực tăng lương.

Trong những tháng gần đây, tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 3%; riêng trong tháng 6, chỉ số này đã lên tới 4,4%, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do giá thực phẩm tăng quá cao. Dự đoán lạm phát tăng tại Trung Quốc có thể chỉ đẩy tỉ lệ lạm phát thế giới tăng đôi chút, song ảnh hưởng này cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ lạm phát tăng sẽ làm tăng tỷ lệ lãi suất trái phiếu dài hạn.

Theo báo cáo công bố ngày 26/7 của Uỷ ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) thuộc Liên hiệp quốc, các nền kinh tế khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 5% trong năm nay và 4,6% trong năm tới, đánh dấu 6 năm tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực. Đây là thời gian phát triển liên tục dài nhất trong vòng 27 năm qua của khu vực Mỹ Latin.

Theo Thư ký thường trực CEPAL Jose Luis Machinea, nền kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribe đang phát triển hết sức thuận lợi, trong đó Panama đứng vị trí số một trong khu vực với mức tăng trưởng 8,5%, tiếp theo là Trinidad và Tobago với 8%, Cộng hòa Dominicana và Argentina đạt 7,5%.

Phát triển kinh tế đã làm giảm tình trạng nghèo đói 8,3% và lạm phát vẫn tiếp tục giảm dần ở mức trung bình 6,4%. Để duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian tới, khu vực Mỹ Latin và Caribe cần rất nhiều vốn đầu tư, nhưng hiện tại, đầu tư vào khu vực này mới chỉ đạt 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Kinh tế khu vực Đông Á sẽ chậm lại

Trong khi đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á sẽ chậm lại (giảm 0,5% năm 2007 và 0,8% năm 2008 so với mức dự đoán tăng trưởng hiện nay) do sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ (ước tính giảm khoảng 1%), song mức độ ảnh hưởng không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ dẫn tới những biến động trên các thị trường tài chính quốc tế và lan sang Trung Quốc, tác động đối với kinh tế khu vực Đông Á sẽ nghiêm trọng hơn.

Trong Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2007, Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) lại cảnh báo, nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt tại 4 nước Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Philippines.

Vì những nước này đang tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn, như tiền chảy vào các quỹ đầu tư nhiều, dẫn đến việc tỷ giá hối đoái tăng cao, vốn chảy ra nước ngoài khiến rủi ro càng lớn, cũng như giá dầu.

Phân tích từ nhiều góc độ, hầu hết các chuyên gia kinh tế trong khu vực khẳng định rằng khủng hoảng tài chính châu Á khó tái diễn trong bối cảnh hiện nay nhờ Trung Quốc kiên trì không phá giá đồng Nhân dân tệ (Nhân dân tệ).

Nhiều chuyên gia tuyên bố lạc quan rằng do sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản, châu Á vẫn đủ sức chống chọi với ảnh hưởng tiêu cực do kinh tế Mỹ phát triển chậm lại gây ra.

Trên thực tế, nền kinh tế châu Á còn tồn tại không ít rủi ro, trong đó kết cấu kinh tế theo mô hình hướng ngoại, lấy xuất khẩu làm chủ đạo vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.