17:13 21/07/2009

Kinh tế Triều Tiên khó khăn

Trung Việt

Tình hình kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên năm nay được đánh giá là tồi tệ như thời kỳ năm 1994

Một góc thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
Một góc thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
Liên hiệp quốc và các nước siết chặt lệnh cấm vận; quan hệ kinh tế liên Triều xấu đi nghiêm trọng, trong khi 1/3 dân số thiếu đói, khiến tình hình kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên năm nay được đánh giá là tồi tệ như thời kỳ năm 1994.

Báo cáo về định hướng kinh tế Triều Tiên trong nửa đầu năm nay do Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) vừa công bố đánh giá, nền kinh tế của Bình Nhưỡng sẽ gặp khó khăn hơn vào cuối năm nay trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tiến hành biện pháp cấm vận, quan hệ liên Triều bế tắc...

Viện trợ sụt giảm, thiếu đói gia tăng

Trên thực tế, việc nhiều nước tẩy chay hoạt động thương mại và phong tỏa tài khoản của Triều Tiên, do lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc liên quan các vụ thử tên lửa của nước này, đã đẩy nền kinh tế vốn yếu kém của Triều Tiên lún sâu vào khó khăn trong mấy tháng qua. Một thiệt hại lớn với kinh tế Triều Tiên là quan hệ liên Triều xấu đi nghiêm trọng đã khiến kim ngạch thương mại của nước này với Hàn Quốc giảm mạnh, trong khi nguồn viện trợ từ Nam Hàn cũng giảm đáng kể.

Đài KBS của Hàn Quốc ngày 18/7 dẫn nguồn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, tháng 6 vừa qua, kim ngạch thương mại liên Triều giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 147 triệu USD vào tháng 6 năm ngoái xuống còn 118 triệu USD trong năm nay. Kim ngạch thương mại của các dự án kinh tế liên Triều, trong đó có khu công nghiệp Gaesung đã giảm gần 12%. Đặc biệt, mức hỗ trợ đối với miền Bắc đã giảm 83% từ gần 5,7 triệu USD xuống còn 1 triệu USD trong cùng kỳ.

Việc quan hệ liên Triều căng thẳng còn đe dọa công ăn việc làm của hàng chục nghìn người lao động Triều Tiên tại Khu công nghiệp Gaesung vốn là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai miền. Tuần trước, Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, tổng số nhân viên miền Bắc tạiKhu công nghiệp này là 40.225 người. Sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa vừa qua, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã lên phương án rút khỏi Khu công nghiệp Gaesung.

Trong báo cáo chung công bố mới đây, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) dự báo, trong năm nay, mặc dù Triều Tiên nhập khẩu lương thực, vẫn có khoảng 9 triệu người, tức là hơn 1/3, trong tổng số 24 triệu dân ở nước này thiếu đói.

Tuy nhiên, hiện WFP đã buộc phải thu hẹp hoạt động cứu trợ ở Bắc Triều Tiên do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài chính. Phó giám đốc điều hành WFP, cho biết, đến nay cơ quan này mới chỉ nhận được 75 triệu USD trong tổng số 504 triệu USD cần thiết để thực hiện chương trình cứu trợ ở Triều Tiên. Năm ngoái, WFP vạch kế hoạch khẩn cấp nhằm trợ giúp cho 6,2 triệu người ở Triều Tiên. Tuy nhiên hiện nay, tổ chức này chỉ có thể giúp được cho 2,27 triệu người. 

“Xuống thang” trong vấn đề hạt nhân

Trong bối cảnh Triều Tiên đang đối mặt muôn vàn khó khăn kinh tế, Mỹ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Liên hiệp quốc và gây áp lực cho đến khi Triều Tiên trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa. Trong buổi họp báo tại Washington cuối tuần qua, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Philip Crowley cho biết, Washington đang thực hiện nghiêm ngặt các điều khoản của Nghị quyết 1874 của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và tiếp tục gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Triều Tiên dường như đang có dấu hiệu “xuống thang” trong vấn đề hạt nhân. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Triều Tiên dường như đang tìm kiếm biện pháp xóa dịu căng thẳng để nối lại các cuộc đối thoại với Mỹ.

Trong buổi thuyết trình tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh, Điều phối viên của Tổng thống Mỹ về chính sách chống vũ khí hủy diệt hàng loạt Gary Samore cho biết, Triều Tiên thường triển khai chiến lược hòa bình khi nước này tin rằng đã thu được lợi ích như mong đợi.

Theo ông Samore, những điều như Bình Nhưỡng chỉ bắn thử ít tên lửa trước và sau Ngày Độc lập của Mỹ, những tuyên bố không quá gay gắt đối phó với Nghị quyết trừng phạt của Liên hiệp quốc và tàu Gang Nam của Triều Tiên bị nghi ngờ chở vũ khí bất hợp pháp đã đổi hướng trở về nước, cho thấy Bắc Triều Tiên đã thay đổi chiến lược hành động của mình.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc vừa dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng nước này cho biết quân đội Hàn Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau vào tuần này để bàn thảo về việc hạ mức điều kiện giám sát (Watchcon) đối với Triều Tiên, do không có dấu hiệu khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng trong thời gian trước mắt.