06:00 10/05/2022

Kinh tế Trung Quốc phát đi nhiều dấu hiệu sụt tốc

Bình Minh

Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc cùng giảm mạnh, lượng khách du lcih và chi tiêu của du khách trong kỳ nghỉ vừa rồi cũng lao dốc....

Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Lĩnh vực dịch vụ khổng lồ của Trung Quốc đã suy giảm với mức giảm mạnh thứ nhì từng được ghi nhận, khi nền kinh tế nước này hứng chịu một đòn giáng mạnh từ các cuộc phong toả chống dịch Covid-19 bùng phát. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự sụt tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo trang CNN Business, chỉ số nhà quả trị mua hàng (PMI) ISH Markit/Caixin - một thước đo sức khoẻ kinh tế Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ - của lĩnh vực dịch vụ sụt chóng mặt còn 36,2 điểm trong tháng 4, từ mức 42 điểm trong tháng 3.

LOẠT DẤU HIỆU SỤT TỐC

Chỉ số dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm, trong khi trên 50 điểm phản ánh tăng trưởng. Cần phải nói thêm rằng lĩnh vực dịch vụ chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hơn 40% việc làm trong nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất cũng cho thấy sự sụt giảm của lĩnh vực này tại Trung Quốc trong tháng 4. Như vậy, với hai lĩnh vực chủ chốt cùng co cụm, có thể nói rằng nền kinh tế lớn nhất lớn thứ nhì thế giới đã có một bước thụt lùi trong tháng trước.

Tháng 5, các điều kiện có thể được cải thiện, vì tốc độ lây nhiễm Covid-19 giảm xuống và giới chức Trung Quốc đang ra sức hạn chế thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, với phần lớn thủ đô Bắc Kinh vẫn đang bị áp các giới hạn nghiêm ngặt, nhiều chuyên gia kinh tế hiện đang dự báo rằng GDP Trung Quốc sẽ giảm trong quý 2. Trong tuần vừa rồi, Bắc Kinh đã phong toả Triều Dương - quận lớn nhất của thành phố, ngừng toàn bộ giao thông trong quận và yêu cầu 3,5 triệu cư dân chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết.

Cú giảm gần 6 điểm của chỉ số PMI dịch vụ Trung Quốc trong tháng 4 chỉ kém cú sụt xảy ra vào tháng 2/2020, khi nền kinh tế Trung Quốc gần như rơi vào tê liệt trong đợt bùng dịch đầu tiên của Covid-19, căn bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán. Trong tháng đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ Trung Quốc rớt về 26,5 điểm từ mức 51,8 điểm trong tháng 1.

Ngoài phong toả, doanh nghiệp ở Trung Quốc còn đang chật vật với giá năng lượng và giá vật tư leo thang. Phong toả càng khiến hoạt động sản xuất-kinh doanh gặp trở ngại nhiều hơn. Đẩy chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng là một việc không dễ đối với doanh nghiệp Trung Quốc ở thời điểm này, vì các hạn chế chống dịch đã gây suy giảm nhu cầu rồi. Trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế càng giảm đi.

“Một số công ty, do lượng đơn hàng sụt giảm, phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí”, chuyên gia kinh tế cấp cao Wang Zhe của Caixin Insight Group phát biểu. Theo dữ liệu của cuộc khảo sát PMI, chỉ số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc đã dưới 50 điểm suốt 4 tháng liên tiếp.

Dữ liệu PMI u ám của lĩnh vực công bố sau khi Trung Quốc đưa ra con số đáng thất vọng về chi tiêu của du khách trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngành, du khách ở Trung Quốc chỉ tiêu 647,7 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 9,8 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái – theo Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc. Cũng trong kỳ nghỉ này, người dân Trung Quốc có tổng cộng 160 triệu lượt du lịch nội địa, giảm 30% so với cùng kỳ 2021.

Đây cũng là những dữ liệu cho thấy chính sách chống dịch zero Covid gây ra tổn thất lớn như thế nào cho nền kinh tế Trung Quốc.

“Các xu hướng đi lại gần đây cho thấy đà tăng trưởng của Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong tháng 4”, một báo cáo của Fitch Ratings nhận định. Fitch dự báo GDP Trung Quốc giảm trong quý 2, trước khi hồi phục trong nửa sau của năm.

Tháng trước, các nhà phân tích của Nomura cũng cảnh báo nguy cơ gia tăng kinh tế Trung Quốc suy thoái trong quý 2, vì phong toả, sự suy giảm của ngành bất động sản, và xuất khẩu giảm tốc ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

TỔN THẤT KINH TẾ DO CHÍNH SÁCH "ZERO COVID"

Do biến chủng Omicron lây lan nhanh, Trung Quốc đang phải chống chọi với đợt bùng dịch tồi tệ nhất hơn 2 năm qua. Đến hiện tại, đã có ít nhất 27 thành phố Trung Quốc phải phong toả một phần hoặc toàn bộ, ảnh hưởng khoảng 185 triệu người – theo ước tính mới nhất của CNN.

Trong số các thành phố bị phong toả có Thượng Hải, một trung tâm của Trung Quốc cả về tài chính, sản xuất và vận tải biển. Thanh phố này đã bị phong toả suốt từ hôm 28/3. Từ tháng trước, nhà chức trách bắt đầu gỡ một số hạn chế, nhưng hơn 8 triệu cư dân của Thượng Hải hiện vẫn đang phải hạn chế ra ngoài. Đã hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, Chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi zero Covid, trong khi phần còn lại của thế giới đang học cách sống chung với virus Sars-CoV2.

Tổn thất kinh tế của cách chống dịch này đang tăng lên.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, đề cập đến những rủi ro bao gồm chính sách zero Covid. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 còn 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức 5,5% mà Bắc Kinh đề ra.

Những ngày gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tục lên tiếng trấn an về tăng trưởng kinh tế. Cách đây hơn 1 tuần, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình kênh gọi tăng cường đầu tư hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Chính trị Trung Quốc sau đó cam kết “các biện pháp cụ thể” để hỗ trợ nền kinh tế Internet.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 9/5 nhắc lại cam kết sẽ linh hoạt, chủ động trong việc giải quyết thách thức kinh tế ngày càng lớn và củng cố niềm tin cho thị trường, đồng thời phát tín hiệu về một lập trường mềm mỏng hơn đối với ngành bất động sản.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý 1/2022, PBOC cho biết sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi Covid, đồng thời nói sẽ triển khai nhiều công cụ chính sách tiền tệ để duy trì thanh khoản đầy đủ trong nền kinh tế.