Bill Gates: Lãi suất tăng sẽ gây giảm tốc kinh tế toàn cầu
“Tôi e rằng những người có quan điểm bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu đang có cơ sở chắc chắn cho lập luận của họ”, ông Gates nói...
Tỷ phú Bill Gates cho rằng lãi suất trên thế giới có thể tăng đến mức đủ để gây ra sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế đã “đuối sức” vì ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19.
“Tôi e rằng những người có quan điểm bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu đang có cơ sở chắc chắn cho lập luận của họ”, ông Gates phát biểu trong một chương trình của kênh CNN vào ngày 8/5.
Gates – nhà đồng sáng lập hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft – nhấn mạnh rằng chiến tranh ở Ukraine, một nguyên nhân khiến giá hàng hoá cơ bản toàn cầu tăng vọt, xảy ra “giữa lúc đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, mức nợ của các chính phủ đã bị đẩy lên cao, và thế giới còn đang đối mặt với những vấn đề về chuỗi cung ứng”.
Nhiều quốc gia - bao gồm Mỹ, Anh và Ấn Độ - đã bắt đầu nâng lãi suất nhằm “ghìm cương” lạm phát. Điều này “rốt cục sẽ dẫn tới một sự giảm tốc kinh tế” – ông Gates, người hiện sở hữu khối tài sản 123 tỷ USD và giàu thứ tư thế giới trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, nhận định.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi Covid mới trở thành đại dịch, đồng thời dự báo lạm phát sẽ còn tăng mạnh hơn do chiến tranh Nga-Ukraine và phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc. Báo cáo của định chế có trụ sở ở Washington DC nhận định rằng ảnh hưởng lan toả từ cuộc chiến tranh có thể được ví như một “trận động đất”.
IMF dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,6% mỗi năm trong cả năm nay và năm tới, một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng 6,1% đạt được trong năm 2021. Dự báo mới của IMF giảm 0,8 điểm phần trăm đối với năm 2022 và giảm 0,2 điểm phần trăm đối với năm 2023 so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.
Trước IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn 3,2% trong năm 2022.
Theo báo cáo của IMF, Nga và Ukraine chính là hai nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi chiến tranh, với nền kinh tế Ukraine có thể giảm 35% trong năm nay và kinh tế Nga có thể giảm 8,5%. Tuy nhiên, chiến tranh khiến giá năng lượng và các hàng hoá cơ bản khác tăng mạnh, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, và đẩy cao kỳ vọng lạm phát, nên ảnh hưởng có thể được cảm nhận ở tất cả mọi nơi trên thế giới.
IMF dự báo kinh tế châu Âu tăng 2,8% trong năm nay, giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo trước. Kinh tế Mỹ được dự báo tăng 3,7% trong năm 2022 và 2,3% trong 2023, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Cũng theo IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 4,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là tăng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra.
Tuy cho rằng “triển vọng nền kinh tế toàn cầu đã xấu đi nhiều” từ đầu năm tới nay, IMF không dự báo thế giới sẽ xảy ra suy thoái. Thông thường, IMF cho rằng kinh tế thế giới suy thoái là khi tốc độ tăng trưởng giảm còn 2,5% trở xuống.
Nhiều tổ chức dự báo khác cũng đưa ra những dự báo bi quan trong thời gian gần đây. Tháng trước, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới là 15% và trong 24 tháng tới là 35%. Ngân hàng Nomura dự báo có khả năng cao kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái trong ngắn hạn.
Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy ngành dịch vụ ở Trung Quốc trong tháng 4 trải qua cú giảm mạnh thứ nhì trong lịch sử, do phong toả chống Covid. Dịch vụ là lĩnh vực đóng góp hơn một nửa tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hơn 40% tổng số việc làm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC vào cuối tuần vừa rồi, ông Brunello Rosa, CEO kiêm Giám đốc nghiên cứu của Rosa & Roubini nói rằng các ngân hàng trung ương sẽ còn thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều, và các hoạt động kinh tế sẽ phát đi thêm nhiều tin xấu.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bước nhảy mạnh nhất kể từ năm 2000, và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong đợt nâng thứ tư kể từ tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ cao nhất 40 năm và lạm phát ở Anh cao nhất 3 thập kỷ.
“Giờ là lúc đánh giá lại các yếu tố nền tảng của nền kinh tế ở khắp mọi nơi trên thế giới, xét về góc độ tăng trưởng”, ông Rosa nói. “Sẽ rất khó để thị trường hoàn toàn lạc qua khi lạm phát leo thang, tăng trưởng đi xuống, và lãi suất đi lên trên phạm vi toàn cầu”.