10:34 26/06/2010

Kinh tế Trung Quốc: Từ hướng ngoại sang hướng nội

Kiều Oanh

Việc tăng tỷ giá Nhân dân tệ có thể là một động thái cho thấy quyết tâm chuyển hướng trong mô hình kinh tế của Trung Quốc

Việc tăng lương công nhân sẽ thúc đẩy mức tiêu dùng nội địa - Ảnh: Reuters.
Việc tăng lương công nhân sẽ thúc đẩy mức tiêu dùng nội địa - Ảnh: Reuters.
Nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem hàng triệu người lao động nghèo ở nước này là động cơ chính cho nền kinh tế hướng ra xuất khẩu.

Bàn tay của những công nhân này đã tạo ra khối lượng khổng lồ các loại hàng hóa tiêu dùng để Trung Quốc xuất đi khắp thế giới.

Theo tờ New York Times, hiện nay, tầng lớp lao động tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc, nhưng theo một cách khác.

Với chiến lược thúc đẩy tiêu dùng nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường bên ngoài của Chính phủ Trung Quốc, tầng lớp công nhân nước này được xem là đối tượng cần khuyến khích chi tiền để mua chính những sản phẩm mà họ đã làm ra.

Những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt khi khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến lĩnh vực xuất khẩu điêu đứng.

Việc tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ trong tuần này của Bắc Kinh có thể được xem là một động thái thực sự cho thấy quyết tâm chuyển hướng trong mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Thêm vào đó, những cuộc đình công gần đây tại nhiều nhà máy nước ngoài ở Trung Quốc cũng đã dẫn tới một đợt tăng lương đáng kể ở nước này, giúp người lao động của nước này có thêm tiền để chi tiêu, dù có thể khiến hàng “made in China” giảm sức cạnh tranh vốn có về giá cả ở các thị trường bên ngoài.

Động thái tăng tính linh hoạt cho tỷ giá Nhân dân tệ đem đến ngay cho Trung Quốc những lợi ích về chính trị. Trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G-20 diễn ra tại Toronto, Canada vào cuối tuần tuần, Trung Quốc sẽ không còn phải đối mặt với áp lực lớn từ phía các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, New York Times cho rằng, việc Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá còn xuất phát từ nhiều những cân nhắc quan trọng về thị trường nội địa. Mối liên kết được nới lỏng giữa Nhân dân tệ và USD đồng nghĩa với việc Nhân dân tệ có thể tăng giá, khiến hàng hóa Trung Quốc phần nào kém đi sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nhưng lại giúp gia tăng sức mua của người tiêu dùng tại Trung Quốc.

Ngoài ra, chính sách khuyến khích tăng lương cho tầng lớp lao động nghèo của Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, một khi mức tăng lương vượt tốc độ lạm phát. Ước tính, Trung Quốc hiện có khoảng 150 triệu lao động nhập cư từ nông thôn ra các thành phố.

“Quan điểm hướng tới tăng lương của Chính phủ Trung Quốc thực sự tích cực, vì chính sách này có liên quan trực tiếp tới việc khuyến khích tiêu dùng nội địa và tái cấu trúc nền kinh tế”, ông Liu Cheng, một học giả về luật lao động tại Đại học Thượng Hải, nhận định với New York Times.

"Trong một thời gian dài, tốc độ tăng lương ở Trung Quốc đã không theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và điều này buộc Trung Quốc phải phụ thuộc vào xuất khẩu".

New York Times bình luận, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc cải tổ mô hình kinh tế hướng ra xuất khẩu. Một trong những lý do ở đây là nguồn lao động giá rẻ của nước này đang cạn dần.

Theo Liên hiệp quốc, dân số trong độ tuổi từ 15-25 của Trung Quốc đã đạt mức đỉnh và sẽ tiếp tục co cụm trong thập kỷ tới đây, thậm chí nếu nước này thay đổi chính sách một con. Quan trọng không kém, những lao động trẻ của Trung Quốc ngày nay không còn sẵn sàng chịu đựng những điều kiện làm việc khắc nghiệt như thế hệ cha anh của họ.

Trong mấy tháng gần đây, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn về sự cần thiết phải tăng chi tiêu của của các hộ gia đình trong nước. Trong một bài phát biểu trước công chúng mới đây, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng, mục tiêu này là một ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc.

Vào ngày 1/6 vừa qua, trên một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã viết rằng, “tăng chi tiêu của người dân là chìa khóa để tăng nhu cầu nội địa”.

Tuy nhiên, tăng lương chỉ là một trong nhiều biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc cần thực hiện để đạt mục tiêu khuyến khích các hộ gia đình mở ví nhiều hơn.

Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc cao hơn nhiều so với ở các nước phương Tây, một phần do người dân ở nước này xem tiền tiết kiệm là nguồn tài chính cho các mục đích giáo dục và y tế của bản thân và gia đình. Vào tháng 1/2009, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố dự định chi 123 tỷ USD trong thời gian đến năm 2011 để thiết lập hệ thống chăm sóc y tế toàn diện cho 1,3 tỷ dân, nhưng theo các chuyên gia, số tiền này là không đủ.

Kiềm chế lạm phát là một việc quan trọng cần làm nữa. Tiền lương thấp đã giúp ghìm tốc độ lạm phát ở Trung Quốc trong những năm gần đây, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số và những dự án đầu tư công khổng lồ.

Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, so với mục tiêu 3% mà Bắc Kinh đặt ra cho cả năm nay. Đây có khả năng là một lý do buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải đi tới tuyên bố tăng tính linh hoạt cho tỷ giá hôm 19/6.

Theo các nhà phân tích, bản thân việc điều chỉnh tỷ giá chưa chắc sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, hay hạn chế sự phụ thuộc của nước này vào lĩnh vực xuất khẩu.

Trong thời gian từ giữa 2005 tới giữa 2008, Nhân dân tệ đã tăng giá 21% so với USD, nhưng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân 21% mỗi năm trong khoảng thời gian đó.

Trong những tháng gần đây, xuất khẩu của Trung Quốc đã phát đi tín hiệu phục hồi mạnh, với mức tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5 vừa qua. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã thể hiện rõ thái độ tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế để đi tới quyết định tăng tính linh hoạt cho tỷ giá.

Ngoài xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn phụ thuộc vào hoạt động đầu tư công, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các nhà phân tích cho rằng, điều này có thể dẫn tới những rủi ro lớn. Hoạt động chi tiêu kích thích tăng trưởng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc trong thời gian khủng hoảng tài chính, đã giúp kinh tế nước này vượt khó. Tuy nhiên, tín dụng nới lỏng đã tạo áp lực tăng lạm phát và giá nhà đất tăng vọt, khiến Chính phủ Trung Quốc phải nỗ lực để hạ nhiệt.

Giáo sư Vitor Shih thuộc Đại học Northwestern của Mỹ cho rằng, một phần không nhỏ trong số 1.600 tỷ USD, mà các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã cho các doanh nghiệp nằm dưới sự quản lý của các chính quyền địa phương vay, có thể trở thành nợ xấu, đe dọa hệ thống nhà băng và nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu nhận thấy rủi ro này và đã tiến tới hạn chế cho vay.

Tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng hiệu quả lại chính là con đường hợp lý nhất để thúc đẩy sự tăng lương trên diện rộng ở Trung Quốc, theo đó nâng cao tiêu dùng nội địa.

Tốc độ phát triển bùng nổ của hệ thống đường cao tốc và đường sắt tại các tỉnh vùng sâu vùng xa của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc đã có thêm nhiều nhà máy tới hoạt động ở những nơi này, để tìm mức chi phí thấp hơn. Nhiều số công nhân ở các vùng này đã được tăng lương với tốc độ ngang với khu vực ven biển, thậm chí còn cao hơn.

New York Times kết luận, về lý thuyết, với tốc độ tăng lương như vậy, nhiều lao động sẽ không di chuyển tới các thành phố duyên hải nữa mà sẽ ở lại làm việc tại quê nhà, đồng thời sẽ thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế đồng nhất hơn trên khắp Trung Quốc.