Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,2% năm 2023
Sáu nền kinh tế ASEAN, bao gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2023, vượt xa mức tăng dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu…
Với tổng dân số hơn 660 triệu người và tổng GDP gần 3.660 tỷ USD vào năm 2022 ASEAN được, xếp hạng là nền kinh tế khu vực lớn thứ ba ở châu Á và là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
ASEAN VẪN CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN
Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư với chủ đề “Khởi động lại ASEAN: Tái tạo tương lai” được tổ chức tại Singapore trong hai ngày 20 và 21/06/2023, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank, ông Khairussaleh Ramli, nhấn mạnh khả năng phục hồi của ASEAN hậu đại dịch COVID-19.
"Khả năng phục hồi của ASEAN thể hiện rõ qua dòng vốn đầu tư, ngay cả khi các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán vào năm 2022, các nhà đầu tư trong khu vực vẫn có đủ lực để “hấp thụ” mọi biến động" - Ông Khairussaleh Ramli.
Theo Khairussaleh Ramli, 6 nền kinh tế ASEAN bao gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2023, vượt xa mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dự kiến ở mức 2%.
“Một trong những cơ hội quan trọng của khu vực Đông Nam Á có thể kể đến việc hưởng lợi ròng từ điều chỉnh lại các kênh thương mại và đầu tư cũng như tăng cường chuỗi cung ứng do bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung”, ông Khairussaleh Ramli cho biết thêm.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng trở lại vào năm 2021, lên 174 tỷ USD, tăng 42% so với năm trước đó, phản ánh sức hấp dẫn của nền kinh tế khu vực đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
“ASEAN vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, cần phải xem xét thực tế rằng khối này đang gặp thách thức khi nền kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại, do áp lực lạm phát và sự phân mảnh địa chính trị và địa kinh tế”, ông Khairussaleh Ramli nhấn mạnh.
DÒNG VỐN ĐẦU TƯ HƯỚNG VÀO NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VÀ CÔNG NGHỆ XANH
Điểm cốt lõi của các kế hoạch trọng điểm hướng tới phát triển bền vững của Maybank là hướng tới trung tính carbon trong phát thải phạm vi 1 và 2 vào năm 2030 và lượng carbon ròng tương đương bằng 0 vào năm 2050; và kế hoạch hiện đang được triển khai. Tương tự như vậy, với phạm vi 3, từ nghiên cứu cơ bản về phát thải đã được triển khai, Maybank đã xác định được các khách hàng quan trọng để hỗ trợ hành trình loại bỏ phát thải. Khoảng 70% lượng phát thải được tài trợ bởi tập đoàn Maybank đến từ khoảng 100 khách hàng từ các lĩnh vực đóng góp hàng đầu như điện và tiện ích, dầu khí, nông nghiệp và xây dựng.
Kỳ vọng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ xanh được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay bền vững khác sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay và trong những năm tới tại ASEAN.
“Chúng tôi nhận thấy cơ hội của khu vực Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi của các ngành này vì đây cũng là những nhóm ngành tác động chính vào nền kinh tế trong khu vực. Việc định hình lại hoạt động kinh doanh của họ sẽ có những tác động sâu rộng - thêm nhiều việc làm mới, nền kinh tế xanh hơn và các lộ trình chuyển đổi mượt mà, hướng tới việc tạo ra các xã hội công bằng hơn", ông Dato’ Khairussaleh cho biết thêm.
Một lĩnh vực quan trọng khác đối với nền kinh tế của khu vực là số hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, theo ông Khairussaleh Ramli, nền kinh tế số hiện chỉ chiếm 7% GDP của ASEAN, thấp hơn nhiều mức 35% ở Mỹ và 16% ở Trung Quốc.
“Chúng tôi kỳ vọng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ xanh khác sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay và trong những năm tới tại ASEAN, được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay bền vững" - Ông Michael Oh-Lau.
Đồng quan điềm, ông Michael Oh-Lau, Giám đốc điều hành MIBG, cho rằng với việc áp dụng Tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF), các ngành sẽ linh hoạt hơn trong việc tham gia vào thị trường tài chính bền vững. Đây đang là giai đoạn then chốt trong hành trình chuyển đổi của khu vực Đông Nam Á.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xanh hóa tại khu vực, trong khuôn khổ chiến lược M25+ của Maybank, nhà băng này đã đầu tư 4,5 tỷ RM (1,3 tỷ SGD) trong 5 năm tới để đẩy nhanh quá trình phát triển và đổi mới về công nghệ và nhân tài, bao gồm các nền tảng kỹ thuật số cho toàn bộ khu vực ASEAN.
Chia sẻ thêm, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN) cho biết: “Nằm trong chiến lược M25+ của Tập đoàn Maybank, Việt Nam là một thị trường trọng tâm mà Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong những năm tiếp theo. Chúng tôi sẽ tận dụng sức mạnh về tài chính, nguồn lực và mạng lưới của Tập đoàn để đồng hành và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, hướng đến phát triển E.S.G. Đặc biệt chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống, nhân lực và đổi mới trong dịch vụ để Chứng khoán Maybank tiếp tục là một đối tác lý tưởng cho các khách hàng cá nhân và tổ chức tại thị trường Việt Nam”.
Được biết, để hỗ trợ khách hàng trong quá trình chuyển đổi phát thải ròng về 0, từ năm 2021 đến cuối tháng 3 năm 2023, Maybank đã huy động tổng cộng 38,8 tỷ RM (11,2 tỷ SGD) tài trợ bền vững và đang tiến hành theo kế hoạch hướng tới đạt được mục tiêu 80 tỷ RM (23 tỷ SGD) tài chính bền vững vào năm 2025.
Invest ASEAN 2023 là một trong những hoạt động trọng điểm của chiến lược M25+ và đã trở thành một sự kiện thường niên được mong đợi của Maybank. Năm nay, với trọng tâm là khám phá các cơ hội tại các nền kinh tế đang lên khu vực Đông Nam Á, các tập đoàn đổi mới, xu hướng phân bổ vốn, quản lý tài sản Hồi giáo (IWM), công nghiệp hóa xanh và công nghệ AI. Sự kiện năm thứ 10 mở rộng hướng tới không chỉ phục vụ các nhà đầu tư và khách hàng tổ chức và doanh nghiệp mà thu hút các các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp gia đình có giá trị ròng cao.