15:51 14/06/2023

Chuỗi cung ứng bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Hải Vân

Việt Nam đặt ra những mục tiêu giảm phát thải ròng carbon bằng 0 với quy mô nền kinh tế xanh lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần nhiều bước đi đột phá từ việc phát triển chuỗi cung ứng, ứng dụng chuyển đổi năng lượng…

Củng cố chuỗi cung ứng bền vững sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi nguồn năng lượng xanh - Ảnh minh họa
Củng cố chuỗi cung ứng bền vững sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi nguồn năng lượng xanh - Ảnh minh họa

Theo ông Thomas Harris, Giám đốc Quốc gia của TMX Global Việt Nam, kể từ sau đại dịch, sự chuyển đổi của Việt Nam là một quá trình phức tạp, phần lớn phụ thuộc vào thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, việc củng cố chuỗi cung ứng của đất nước sẽ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các ngành trụ cột sản xuất dài hạn như dệt may và giày dép, mà còn tác động tích cực đến tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động ở quốc gia.

CHUỖI CUNG ỨNG ĐÓNG VAI TRÒ LỚN TRONG CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG XANH

Báo cáo của TMX Global cho thấy, trong năm 2022 Việt Nam đã chứng kiến mức độ tăng trưởng GDP nhanh nhất kể từ năm 1997 với 8,02%. Tuy nhiên, với việc trung bình 0,47% doanh thu kinh doanh trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, ước tính có thể mất khoảng 1,9 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

“Việc thiếu cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng phù hợp đang tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với an ninh năng lượng và khả năng cung cấp các sản phẩm có hàm lượng carbon thấp cho đất nước. Về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế”, ông Thomas Harris cho biết.

Theo đó, việc chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam không chỉ vì áp lực toàn cầu mà còn là để tăng cường an ninh năng lượng của đất nước. Hiện nay, hơn 70% các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn được cung cấp năng lượng bởi lưới điện quốc gia và được duy trì bằng than đá.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã chỉ ra rằng sự phụ thuộc vào than đá có thể gây bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Thomas Harris nhấn mạnh.

Nhằm đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai, việc phát triển năng lượng xanh là rất cần thiết. Trong giai đoạn 2021-2030, sự phát triển của công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng hơn 8% mỗi năm.

HỢP TÁC THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Trong hành trình hướng đến phát thải ròng bằng 0, không chỉ riêng ngành năng lượng, công nghiệp cần được thúc đẩy chuyển đổi, ngành nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Do điều kiện địa lý, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đặc biệt là ngành nông nghiệp phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Doanh nghiệp  ngày càng chủ động và linh hoạt hơn trong việc phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh minh họa
Doanh nghiệp  ngày càng chủ động và linh hoạt hơn trong việc phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh minh họa

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, dự báo mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp sẽ đạt 2,5 - 3% mỗi năm. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 30%. Đồng thời, ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Mới đây, Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch điện VIII, quy hoạch tổng thể này đã được “thai nghén” suốt gần ba năm, trong đó nhấn mạnh khoản đầu tư rất lớn cần thiết để phát triển ngành năng lượng Việt Nam. Khi đi vào thực hiện, quy hoạch cũng này sẽ có tác động không nhỏ lên ngành nông nghiệp Việt Nam.

Không chỉ vậy, hiện nay có rất nhiều giải pháp tài chính trên thị trường giúp doanh nghiệp và người dân chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn như khoản vay để thanh toán cho việc cung cấp đầu vào và khoản vay đối với tín dụng xuất khẩu, đóng gói ở đầu ra. Nông nghiệp cũng là ngành được khuyến khích khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt trần lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4,5%.

Ông Surajit Rakshit, Giám đốc Toàn quốc Trung tâm Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Chuỗi cung ứng, HSBC Việt Nam, cho biết không chỉ riêng chính phủ, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, tổ chức tài chính cũng ngày càng chủ động và nghiêm túc hơn trong phát triển, thực hiện chiến lược bền vững, từ mô hình kinh tế tuần hoàn, chuỗi cung ứng bền vững đến các chương trình về môi trường và hỗ trợ cộng đồng khác.

Với mục tiêu thúc đẩy tín dụng xanh, từ đầu năm 2022, HSBC Việt Nam công bố cam kết thu xếp lên đến 12 tỷ USD tài chính bền vững trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2030.  Đến nay, gói cho vay đã hoàn thành khoảng 14% mục tiêu sau khi hoàn tất một loạt giao dịch xanh cho khách hàng với những giải pháp đa dạng, từ những công cụ tài chính thương mại xanh đến các khoản vay liên kết bền vững cũng như tài trợ chuỗi cung ứng bền vững.

Mới đây, Ngân hàng Bản Việt cũng đã hợp tác với Công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) triển khai chương trình Tín dụng xanh với lãi suất vay từ 8,9% một năm. Cụ thể, nhà băng dành 500 tỷ đồng để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất từ 8,9% một năm cho khách hàng doanh nghiệp hoặc cá nhân vay vốn triển khai các dự án sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường, xã hội.

“Doanh nghiệp nông nghiệp cũng ngày càng linh hoạt và thành thạo hơn trong quản lý hoạt động nguồn vốn, dịch chuyển từ giao dịch tiền mặt sang sử dụng nền tảng trực tuyến. Tích cực tìm kiếm giải pháp số hóa các hoạt động bên trong doanh nghiệp và cải tiến cũng như tối ưu hóa vốn lưu động”, ông Surajit Rakshit cho biết thêm.

Kỳ vọng sự hợp tác của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh không chỉ giúp Việt Nam giảm phát thải carbon trong sản xuất mà còn tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.