Kỳ họp bất thường đầu tiên giữa thời kỳ “bình thường mới”
Quốc hội khóa XV vừa kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất sau bốn ngày rưỡi làm việc và quyết nghị các nội dung hết sức quan trọng với quốc kế, dân sinh trong bối cảnh đất nước vừa trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư lịch sử với những hậu quả nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội...
Đây là kỳ họp bất thường bởi lẽ Quốc hội chỉ họp thường kỳ hai lần một năm, gọi là “Xuân – Thu nhị kỳ” vào khoảng tháng 5 và tháng 10. Giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh rối ren với số ca nhiễm Covid-19 vẫn liên tục lập đỉnh, hơn 23.000 đồng bào tử vong vì dịch, nền kinh tế phục hồi chậm và có nguy cơ lỡ nhịp với thế giới, kỳ họp được tổ chức nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội cũng như tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, lúc này đất nước cũng đang đứng trước yêu cầu củng cố nhận thức về bối cảnh “bình thường mới” với việc cân bằng mục tiêu chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, cụ thể hóa sự chuyển đổi về chiến lược chống dịch từ “Không Covid” sang “thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh”.
GIẢI ĐÁP KỊP THỜI NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH
Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định áp dụng Điều 83 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam để triệu tập kỳ họp bất thường – một kỳ họp mang ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri cả nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, mong mỏi và theo dõi, bởi những kết quả của kỳ họp sẽ là “bàn đạp” để đất nước vực dậy và bứt tốc trong thời gian tới.
Quyết định tổ chức kỳ họp cho thấy bản lĩnh và quyết tâm chính trị vô cùng lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên hết là đặt người dân ở trung tâm trong mọi quyết sách của mình. Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, liên tục diễn biến ngày một phức tạp hơn, khó có thể dự báo và gây ra những thách thức chưa từng có với hệ thống y tế của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng như gây ra những tác động sâu sắc và toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, an toàn trật tự xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tuy diễn ra trong thời gian ngắn, Quốc hội đã làm việc với tinh thần “cấp tốc” để “mổ xẻ” các vấn đề, với hơn 1.100 lượt đại biểu đưa các kiến nghị, đề xuất tâm huyết và sâu sắc cho bốn nội dung quan trọng của kỳ họp bao gồm: Gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự án một luật sửa 9 luật; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Tại kỳ họp này, thời gian thảo luận và tiếp thu, chỉnh lý các nội dung đều diễn ra nhanh chóng và sau đó được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Điển hình trường hợp Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được bấm nút thông qua sau một buổi thảo luận tổ và hơn một ngày thảo luận, tiếp thu và giải trình tại hội trường.
Tất cả những điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc ban hành chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời cũng thể hiện sự chủ động và đổi mới trong tư duy lập pháp, cải cách thể chế nhằm giải quyết ngay vướng mắc trong thực tiễn của Quốc hội.
Kết quả là, kỳ họp đã thông qua gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy mô gần 350.000 tỷ đồng (tương đương hơn 15 tỷ USD), hứa hẹn “bơm liều thuốc tăng lực” cho nền kinh tế trong năm 2022 và 2023.
THÔNG QUA NHIỀU LUẬT, TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Song song với đó, việc tháo gỡ những vướng mắc, sửa đổi dựa trên nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển nền kinh tế với 9 luật gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển cho nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Dù đây là những sửa đổi với phạm vi rộng và phức tạp, quy trình xem xét, thảo luận và thông qua đã được rút gọn trong một kỳ họp. Tuy nhiên, không vì vậy mà thiếu đi sự thận trọng, thể hiện ở việc một số nội dung chưa được đánh giá kỹ tác động đã không được thông qua và được yêu cầu nghiên cứu, điều chỉnh thêm. Đơn cử trường hợp sửa đổi Luật Nhà ở, với nội dung bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhiều đại biểu tỏ ra thận trọng bởi cho rằng quy định này nếu không được đánh giá kỹ sẽ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Sự chủ động và quyết tâm “cứu” nền kinh tế còn thể hiện ở việc thông qua chủ trưởng đầu tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 729 km với 12 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng hoàn toàn từ vốn đầu tư công. Việc thông qua dự án xây dựng tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam này đã giúp tháo dỡ nút thắt về vốn khi dự án gặp khó khăn trong thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Cùng với đó, một loạt cơ chế đặc thù được thông qua để cho phép thí điểm phục vụ phát triển thành phố Cần Thơ. Đây là địa phương thứ 5 được cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sau Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế - các địa phương được thông qua việc thí điểm tại kỳ họp thường kỳ hồi tháng 10/2021. Việc thí điểm một số khuôn khổ chính sách mới này, bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển cho Cần Thơ - cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong, cũng nhằm tạo sự lan tỏa cho các địa phương khác, vì mục tiêu chung cho sự phát triển của quốc gia.
Ý nghĩa quan trọng của các kết quả này cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại phiên bế mạc kỳ họp: “Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp ‘bất thường’ trở thành hoạt động ‘bình thường’ của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”.
Người đứng đầu Quốc hội nêu rõ, tinh thần và kết quả của kỳ họp đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới và tin tưởng rằng, với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.