15:07 10/10/2024

Ký ức và hiện tại: Sự thay đổi diệu kỳ của giao thông Thủ đô

Huỳnh Dũng

Trong làn sương sớm buông trên mặt hồ Tây hay ánh nắng chiều nhuộm vàng Hồ Gươm, Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp hài hoà đặc biệt. Một nét đẹp vừa bình yên, vừa tất bật, vừa cổ kính, vừa hiện đại…

Trên từng nhịp cầu, những dự án giao thông mới không chỉ mở lối cho bước chân người dân, mà còn mở ra những chân trời phát triển, đưa Hà Nội vươn xa hơn trên bản đồ đô thị hiện đại của thế giới.

Trong bài hát “Tiến về Hà Nội”, cố nhạc sĩ Văn Cao có viết: Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…

Trải qua bao thăng trầm, 5 cửa ô của Hà Nội đã điểm thêm bằng những cây cầu vươn mình mạnh mẽ vắt qua sông Hồng.

NHỊP CẦU MỞ LỐI TƯƠNG LAI 

Quay ngược lại thời gian để sống lại những ngày lịch sử hào hùng của đất nước. Sau Hiệp định Genève được ký kết, đúng ngày này vào 70 năm trước (ngày 10/10/1954), khi kim đồng hồ điểm 8 giờ, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Hà Nội.

Ngay trong chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ thượng kì do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên đầy tự hào tại di tích Cột cờ Hà Nội.

Vào thời điểm đó, Hà Nội chỉ có diện tích 152km2 và cầu Long Biên là cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng. Việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng là một nhu cầu tất yếu và cấp bách trong quá trình phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội, cùng với cả nước, đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do những năm tháng bao vây cấm vận. Những thử thách ấy không chỉ làm chậm bước tiến xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn đặt ra nhiều thách thức cho giấc mơ kết nối và phát triển của thủ đô. Thế nhưng, giữa khó khăn chồng chất, khát vọng vươn lên của Hà Nội chưa bao giờ lụi tàn, luôn âm ỉ như dòng sông Hồng chảy mãi không ngừng.

70 năm sau, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, diện tích Hà Nội đã lên tới 3.344km. Cầu Long Biên vẫn ở đó, vẫn ngày ngày đón hàng trăm nghìn qua lại nhưng trách nhiệm kết nối giao thông hai bờ sông Hồng đã chia sẻ với những cây cầu khác.

Cầu Long Biên vẫn ở đó, vẫn ngày ngày đón hàng trăm nghìn qua lại nhưng trách nhiệm kết nối giao thông hai bờ sông Hồng đã chia sẻ với những cây cầu khác.
Cầu Long Biên vẫn ở đó, vẫn ngày ngày đón hàng trăm nghìn qua lại nhưng trách nhiệm kết nối giao thông hai bờ sông Hồng đã chia sẻ với những cây cầu khác.

Thời gian trôi đi, những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hồng, sông Đuống dần hình thành. Trong bức tranh quy hoạch 18 cây cầu vượt sông Hồng, Hà Nội đã hoàn thành 9 cây cầu mang theo khát vọng kết nối hai bờ (Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà, Long Biên). Mỗi nhịp cầu như mở ra một chương mới cho sự phát triển của thủ đô. Hiện còn 6 cây cầu khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư, sẵn sàng khởi công (Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Vân Phúc, Trần Hưng Đạo), hứa hẹn tiếp tục hành trình kết nối vùng đất ngàn năm.

Với dòng sông Đuống, thành phố đã có 4 cây cầu lớn hoàn thành (Cầu Đuống, Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Đông Trù), mỗi cây cầu là dấu ấn vững chắc của sự phát triển. Cầu Đuống mới đang được triển khai xây dựng, trong khi 3 cây cầu khác (Giang Biên, Mai Lâm, Ngọc Thụy) vẫn đợi chờ những bước đi mạnh mẽ để tiếp nối hành trình vươn ra xa của Hà Nội.

 TỪ XE ĐIỆN CỔ KÍNH ĐẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI

Trong bức tranh giao thông của Hà Nội, hình ảnh những xe điện, loại phương tiện có bánh sắt chạy trên đường ray, gợi nhớ thật nhiều ký ức của những người đã từng sống trong những ngày khó khăn.

Một công nhân từng gắn bó với Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chia sẻ rằng những năm 60 của thế kỷ XX được coi là thời kỳ hoàng kim của xe điện. Lúc này, máy móc và thiết bị của xe điện, sau khi được tiếp quản từ thực dân Pháp, vẫn còn nguyên vẹn và chưa bị hư hỏng nghiêm trọng. Xe điện trong giai đoạn này không khác gì những chiếc xe được xây dựng bởi người Pháp trong những năm đầu. Đây cũng là một phương tiện giao thông công cộng quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động vận tải đô thị hiện đại thời bấy giờ.

Khi đất nước bước vào nửa cuối của thập niên 1980, xe điện dần bị loại bỏ, các tuyến đường ray xe điện bị tháo rỡ. Mọi nguyên vật liệu của một thời huy hoàng giờ có trách nhiệm tái sử dụng kéo cán thành thép sợi, thép hình để phục vụ cho mục đích xây dựng, tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Thoáng chốc đã hơn 40 năm kể từ ngày tiếng chuông tàu điện cuối cùng chạy vang lên từ ga Bờ Hồ. Ở thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội bước vào kỷ nguyên mới. Vẫn là những tuyến đường chạy bằng điện phục vụ cho mục đích vận tải hành khách công cộng, giờ đây các tuyến đường sắt đô thị trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ và hiện đại. Những đoàn tàu hiện đại lướt nhanh giữa những con phố tấp nập giúp nhiều người dân tránh khỏi cảnh tắc đường.

Tính đến tháng 10/2024, Hà Nội tự hào đưa vào vận hành hai tuyến đường sắt đô thị hiện đại, mở ra những hành trình mới cho người dân bao gồm Tuyến số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông) dài 13 km và Tuyến trên cao số 3.1 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) dài 8,5 km.

Đường sắt tốc độ cao là một trong những đột phá để giải bài toán phương tiện công cộng của Thủ đô. Ảnh: Anh Đinh.
Đường sắt tốc độ cao là một trong những đột phá để giải bài toán phương tiện công cộng của Thủ đô. Ảnh: Anh Đinh.

Không dừng lại ở đó, thành phố nỗ lực đầu tư xây dựng hai tuyến đường sắt mới gồm tuyến đi ngầm số 3.1 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) dài 4 km và tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) dài 11,5 km.

Đồng thời, Hà Nội cũng đang trình phê duyệt đề xuất đầu tư cho hai tuyến đường sắt mới là Tuyến số 3.2 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,8 km, dự kiến sử dụng vốn ODA, cùng với Tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km, dự kiến sử dụng vốn đầu tư công. Những dự án này không chỉ mang lại những cải thiện cho hệ thống giao thông, mà còn thắp sáng những hy vọng về một tương lai rực rỡ cho Thủ đô, nơi những con đường không chỉ kết nối địa lý mà còn hòa quyện những khát vọng và ước mơ của người dân.

 NHỮNG DẢI LỤA VẮT QUA THÀNH PHỐ

Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến 36 phố phường và 5 cửa ô. Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô, hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến về từ hai cửa ô Cầu Giấy và ô Cầu Dền không chỉ là dấu mốc quan trọng trong hành trình dựng xây đất nước, mà còn trở thành biểu tượng vang vọng trong tâm thức của người dân

Giờ đây, trong 5 cửa ô của Thủ đô, chỉ còn ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn vẹn nguyên. Bao quanh thủ đô giờ đây là hệ thống các tuyến đường vành đai hiện đại, không chỉ mang trong mình sứ mệnh giao thông mà còn thấm đẫm tinh thần kiên cường, khát vọng vươn lên của một thành phố đã vượt qua bao khó khăn thử thách. Mỗi tuyến vành đai không chỉ là lối đi mà còn là hành trình mang theo những ước mơ và khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho Thủ đô.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến nay thành phố đã khẳng định vị thế là thủ đô hiện đại với 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm, trải dài 111,32 km; 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm đang được đầu tư, đưa vào khai thác. Đây giống như những mạch máu nuôi dưỡng nhịp sống sôi động của Thủ đô. Các tuyến đường vành đai, biểu tượng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, đang dần hình thành và khép kín, kết nối những khu vực quan trọng, tạo nên một bức tranh giao thông hài hòa và hiện đại.

Bao quanh thủ đô giờ đây là hệ thống các tuyến đường vành đai hiện đại, không chỉ mang trong mình sứ mệnh giao thông mà còn thấm đẫm tinh thần kiên cường, khát vọng vươn lên của một thành phố đã vượt qua bao khó khăn thử thách. Ảnh: Anh Đinh.
Bao quanh thủ đô giờ đây là hệ thống các tuyến đường vành đai hiện đại, không chỉ mang trong mình sứ mệnh giao thông mà còn thấm đẫm tinh thần kiên cường, khát vọng vươn lên của một thành phố đã vượt qua bao khó khăn thử thách. Ảnh: Anh Đinh.

Ngoài ra, Hà Nội không ngừng mở rộng tầm nhìn với những dự án trọng điểm, như Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; và tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, nối liền Quốc lộ 21 với cao tốc Hà Nội-Hòa Bình, nâng cao năng lực vận tải và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong hành trình tìm lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 12 cây cầu vượt nhẹ. các dự án hầm chui, như hầm chui Kim Liên - Xã Đàn hay hầm chui Vành đai 3 -Đại lộ Thăng Long. Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư cho các hầm chui nút giao Cổ Linh và hầm chui tuyến Đường Tây Thăng Long (qua đường Vành đai 3), cùng với nhiều dự án khác như cải tạo và mở rộng tuyến đường Vành đai 2, từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hay mở rộng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ.

Những nỗ lực này không chỉ hiện thực hóa một tương lai giao thông thông minh mà còn thể hiện quyết tâm mãnh liệt của Hà Nội trong việc xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, và tràn đầy sức sống.