18:07 30/05/2022

Lãi suất huy động duy trì đà tăng, gửi tiền ngân hàng “lên ngôi”

Mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân trong 3 tháng đầu năm 2022 đã lớn hơn mức tăng trưởng đạt được trong cả năm 2021 (chỉ khoảng 158.000 tỷ đồng)...

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, tiền gửi của người dân trong tháng 3/2022 tăng hơn 14.000 tỷ đồng. Mức tăng này ở các tháng 1 và tháng 2 lần lượt là 103.000 tỷ đồng và 56.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,28% so với cuối năm 2021.

Việc tăng trưởng tiền gửi của cư dân ngay trong quý đầu năm là điều rất hiếm. Bởi lẽ, đây là những tháng cao điểm, người dân thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán.

 

Năm 2021, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành và các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… đồng loạt “lên ngôi”.

Hiện mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân trong 3 tháng đầu năm 2022 đã lớn hơn mức tăng trưởng đạt được trong cả năm 2021 (chỉ khoảng 158.000 tỷ đồng).

Diễn biến “bất thường” trên chủ yếu được tác động nhờ vào việc các ngân hàng thương mại bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Nếu so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất huy động tháng 3/2022 đã tăng khoảng 0,5-1,0 điểm phần trăm.

Theo giới chuyên môn, xu hướng trên sẽ tiếp tục thể hiện ít nhất trong kỳ công bố số liệu tháng 4/2022 với 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, từ tháng 3/2022 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn cũng bắt đầu tham gia cuộc đua hút tiền gửi nhằm chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn tăng nhanh khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được áp dụng.

Thứ hai, dòng tiền rút bởi ở các kênh đầu tư nóng trước đó dần quay lại trú ẩn tạm thời tại hệ thống ngân hàng để chờ cơ hội mới.

Điển hình, trong tháng 4/2022, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, thanh khoản mỗi phiên giao dịch từ khoảng 20.000 tỷ đồng rơi về quanh 12.000 tỷ đồng. Hay như quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 cũng chứng kiến sự sụt giảm, nguồn tiền đãng lẽ tập trung cho thị trường này cũng không có cơ hội để giải ngân.

Thứ ba, quan sát từ dữ liệu lịch sử, tiền gửi cư dân thường có xu hướng tăng dần từ đầu quý 2 hàng năm.

Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng cùng tăng mạnh trong tháng 3/2022
Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng cùng tăng mạnh trong tháng 3/2022

Đáng chú ý, không chỉ tiền gửi cư dân, mà tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng nhanh. Riêng trong tháng 3/2022 tăng tới 228.300 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 1/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.

Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh đã cho thấy những tín hiệu sáng trở lại, nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng khi dành vốn cho hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tiền vẫn ứ đọng và tranh thủ sinh lời ở ngân hàng, đặc biệt khi mặt bằng lãi suất đang tăng.