14:13 30/07/2008

Lãi suất huy động VND đồng loạt giảm

Minh Đức

Gần 100% ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động VND - một diễn biến được đánh giá là tích cực

Lãi suất huy động giảm là cơ sở để các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay đầu ra.
Lãi suất huy động giảm là cơ sở để các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay đầu ra.
Gần 100% ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động VND  - một diễn biến được đánh giá là tích cực.

Không ồn ào như các cuộc đua tăng lãi suất, một tháng qua các ngân hàng thương mại đã lần lượt giảm lãi suất huy động VND.

Không còn những kỷ lục

Từ ngày 28/7, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) bắt đầu áp biểu lãi suất huy động VND mới: Lãi suất cao nhất các sản phẩm cao nhất là 18,8%/năm (ngoài trừ chương trình ưu đãi người cao tuổi có đỉnh 19,4%/năm). Trước đó SCB là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường với những mức trên 19%/năm.

Từ đầu tháng 7, một loạt các ngân hàng cổ phần khác cũng đã “âm thầm” điều chỉnh lại lãi suất huy động, giảm khá mạnh so với những đỉnh điểm cuối tháng 6 vừa qua. Hiện đã có gần 100% thành viên tham gia đợt điều chỉnh này.

Hiện tại, các mốc kỷ lục 19,5%/năm hoặc 19%/năm không còn ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Mặt bằng chung tính đến ngày 30/7 phổ biến dưới 18,5%/năm. Những mức lãi suất cao tập trung ở các kỳ hạn ngắn từ 3 – 6 tháng; còn lại được cơ cấu theo kỳ hạn hợp lý hơn với việc áp đồng loạt cho hầu hết các kỳ hạn trước đó.

Tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, lãi suất huy động VND áp dụng từ ngày 21/7 đồng loạt giảm dưới 18%/năm; riêng các kỳ hạn từ 3 – 6 tháng có từ 18% - 18,1%/năm. Đây cũng là những mức lãi suất “mềm” có ở nhiều ngân hàng khác.

Tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), ngân hàng từng có những đợt tăng lãi suất mạnh và những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, hiện mức cao nhất là 18,72%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi theo bậc thang từ trên 500 triệu đồng…

Tại các ngân hàng như Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)… lãi suất huy động đều phổ biến dưới 18,5%/năm.

So với các kỷ lục vừa xác lập cách đây một tháng, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại hiện đã giảm mạnh từ 0,5% - 0,75%/năm.

"Tín hiệu tích cực"

Trao đổi với VnEconomy về diễn biến trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng đó là một tín hiệu tích cực, phù hợp với bối cảnh hoạt động hiện nay của hệ thống.

Theo phân tích của ông Bảo, các cơ sở để ngân hàng giảm lãi suất huy động có từ sự chủ động và ổn định trước cung – cầu vốn hiện nay, nguồn vốn khả dụng và thanh khoản tại các ngân hàng đã thuận lợi. Thứ hai, tín hiệu tích cực từ lạm phát và chuyển biến kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở để có được sự điều chỉnh này. Và thứ ba, trên cơ sở xem xét các nhu cầu tín dụng, cân đối khả năng huy động cũng như yêu cầu quản trị…, các ngân hàng đã có quyết định phù hợp với trường hợp của mình, cũng như theo hướng chung của hệ thống.

“Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, chi phí đầu vào tăng lên, khi có điều kiện các ngân hàng sẽ xem xét để có điều chỉnh hợp lý, tính đến cả mục tiêu lợi nhuận của mình nữa”, ông Bảo nói, cùng với nhận định việc giảm lãi suất huy động sẽ không ảnh hưởng lớn tới tốc độ huy động trong thời gian tới.

Cùng quan điểm trên, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nói: “Tôi cho rằng đó là một tín hiệu đáng mừng. Các ngân hàng đã chủ động nắm bắt những chuyển biến của nền kinh tế, thời điểm thích hợp để có sự điều chỉnh cần thiết đó”.

Cụ thể, theo phân tích của bà Hương, kết thúc tháng 6, kinh tế vĩ mô có những tín hiệu mới, lạc quan hơn. Trên cơ sở đó, VNBA cũng đã có ý định kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất huy động, nhưng thực tế các ngân hàng đã đi trước và hiện việc điều chỉnh đã diễn ra trên diện rộng.

“Khi có ý định kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất, mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là để tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, ngân hàng sẽ có điều kiện để giảm lãi suất đầu ra. Đây là mục tiêu quan trọng nhất, bởi lãi suất đầu ra giảm sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Hương phân tích.

Tuy nhiên, một điểm mà Tổng thư ký VNBA đề cập đến là sự thận trọng nhất định trước tác động của giá xăng dầu mới đối với lạm phát thời gian tới, ảnh hưởng đến định hướng thực hiện lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, giảm lãi suất huy động cũng cần có sự chia sẻ của người gửi tiền.

Trước khả năng chia sẻ đó, bà Hương nhận định các ngân hàng sẽ vẫn có thể duy trì được tốc độ huy động vốn. 6 tháng đầu năm, số liệu từ VNBA cho thấy tốc độ huy động vốn VND từ dân cư đã tăng 20%, thấp hơn mức 22% trong năm 2007 nhưng là một tỷ lệ tốt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.