22:46 21/10/2008

Lãi suất huy động VND giảm mạnh

Minh Đức

Ngày 21/10, một số ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động VND xuống mức thấp

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phát đi thông điệp kêu gọi các ngân hàng hội viên cùng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phát đi thông điệp kêu gọi các ngân hàng hội viên cùng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Ngày 21/10, một số ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động VND xuống mức thấp.

Theo thông báo sáng nay của Ngân hàng An Bình (ABBank), lãi suất huy động tiết kiệm VND của ngân hàng này bắt đầu áp biểu mới, có mức giảm từ 1% - 1,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn so với biểu lãi suất áp dụng trước đó.

Cụ thể, lãi suất huy động VND của ABBank hiện xuống mức 16,5%/năm đối với tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng; 16,75% đối với kỳ hạn 6 tháng; 16,4% kỳ hạn 9 tháng và 16,3% kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này hiện dừng ở mức 16,75%.

Giải thích về quyết định trên, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank, cho rằng các chính sách của Ngân hàng Nhà nước vừa qua và mới đây đã giúp thanh khoản của thị trường được cải thiện, lạm phát có tín hiệu giảm và “chắc chắn sẽ được kiềm chế dưới 25% cho cả năm 2008”.

“Các ngân hàng đã chủ động và cân đối được nguồn vốn và sử dụng vốn của mình. Tất cả các tác nhân đó đã dẫn tới lãi suất huy động giảm như là một hệ quả tất yếu, và tôi tin là sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới”, ông Thanh nói.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cũng cho rằng những quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cơ bản, giảm lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn, trả thêm lãi cho tiền gửi dự trữ bắt buộc, thanh toán tín phiếu bắt buộc trước hạn… sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng chủ động hơn về nguồn vốn, thanh khoản và xem xét giảm lãi suất huy động và cho vay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), việc giảm lãi suất huy động để gián tiếp giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn là cần thiết, nhưng cũng cần tính đến lợi ích của người gửi tiền; và khi lãi suất thấp, tốc độ huy động vốn cũng cần xem xét bởi đó là một phần thể hiện niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, gián tiếp là niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế.

Đánh giá về những quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng đó là sự điều chỉnh cần thiết để củng cố thêm lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Phía sau những quyết định đó là lãi suất giảm, tiền được cung thêm cho nền kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng và phòng ngừa suy thoái, nhất là khi đặt trong ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên thế giới.

Ngay sau những quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng đã phát đi thông điệp kêu gọi các ngân hàng hội viên cùng giảm lãi suất huy động và cho vay.

Và ngoài ABBank, một số ngân hàng cổ phần hôm nay cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động VND xuống mức khá thấp. Hiện nhiều thành viên đã giảm phổ biến xuống dưới mốc 17%/năm, một số kỳ hạn thấp hơn 16%/năm. Một số thành viên cũng đã bắt đầu không nhận tiền gửi mới ở các kỳ hạn cực ngắn 1 - 2 tuần. Với riêng kỳ hạn 3 tháng, một số ngân hàng đã áp dụng mức 15%/năm thay cho trên 16%/năm trước đó.

Tại các ngân hàng như SCB, SeABank, OceanBank, những mức lãi suất trên 17,5% ở một số kỳ hạn, thậm chí trên 18%/năm, cũng đã đồng loạt điều chỉnh xuống phổ biến dưới 17%/năm. Đặc biệt tại Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank), lãi suất huy động VND áp dụng từ ngày mai (22/10) mức cao nhất chỉ còn 15,85%/năm.

Giảm lãi suất huy động, cộng với những thuận lợi từ sự hỗ trợ chi phí từ những điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cũng đã tính đến việc giảm lãi suất cho vay. Tại ABBank, mức lãi suất cho vay thấp nhất được công bố hôm nay là 18%/năm, thay cho mức trên 19% trước đó. Tại LienVietBank, lãi suất cho vay cũng giảm từ 18%/năm xuống còn 17%/năm.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại hiện vẫn chưa nhập cuộc ở lần điều chỉnh này. Có thể, các quyết định còn chờ đợi phản ứng chung của thị trường, hoặc lãi suất đã được điều chỉnh giảm mạnh trước đó.