08:54 28/03/2019

Lãi suất tiền gửi gần 9%/năm, động lực từ hai phía

Thùy Linh

Người gửi tiền thêm lợi ích và lựa chọn, ngân hàng thêm cấu trúc vốn bền vững cho xu hướng hoạt động đã và đang thể hiện

Chứng chỉ tiền gửi đợt 1/2019 của SHB, thời gian phát hành dự kiến đến 6/6/2019, nhưng có thể kết thúc sớm hơn khi huy động đủ 10.000 tỷ đồng tổng mệnh giá.
Chứng chỉ tiền gửi đợt 1/2019 của SHB, thời gian phát hành dự kiến đến 6/6/2019, nhưng có thể kết thúc sớm hơn khi huy động đủ 10.000 tỷ đồng tổng mệnh giá.

Một số ngân hàng thương mại vừa triển khai các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi, lãi suất cao hơn so với tiết kiệm thông thường. Đây là bước đi chủ động cho một xu hướng đang thể hiện rõ trong hệ thống.

Cuối năm 2018 đầu 2019, thị trường đón nhận các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi VND của nhiều ngân hàng thương mại với lãi suất phổ biến trên 8%/năm.

Ở hướng huy động này, mới đây, lãi suất cao tiếp tục ghi nhận mức lên tới 8,9%/năm, với chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), phát hành đợt 1/2019.

Với khách hàng cá nhân, chứng chỉ tiền gửi của SHB có mệnh giá từ 1 triệu đồng. Chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng có lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Chứng chỉ mệnh giá từ 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt là 8,7%/năm, 8,8%/năm và 8,9%/năm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, SHB cũng triển khai chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, lên tới 8,2%/năm, áp dụng với số tiền từ 500 triệu đồng và lựa chọn các kỳ hạn linh hoạt từ 6 - 36 tháng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi này nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân hàng, đồng thời tạo thêm lợi ích vừa lựa chọn cho người gửi tiền.

Đó cũng là lợi ích, động lực từ hai phía. Và chứng chỉ tiền gửi đang trở thành một sản phẩm, công cụ ngày càng quen thuộc trên thị trường Việt Nam.

Như trên, với đặc điểm riêng, chứng chỉ tiền gửi chủ yếu chỉ tập trung huy động nguồn vốn trung và dài hạn. Đặc điểm này giúp các ngân hàng thương mại gia tăng cấu trúc vốn huy động bền vững, thêm chủ động trong cân đối và sử dụng vốn.

Tính chủ động cũng thể hiện ở sự linh hoạt. Trong quá trình hoạt động, tại mỗi thời điểm ngân hàng thương mại sử dụng chứng chỉ tiền gửi để nhanh chóng gia tăng một cấu phần vốn với mức độ xác định. Tính cạnh tranh lãi suất tăng thêm trong thu hút nguồn, mặt khác chủ động được chi phí huy động.

Như chứng chỉ tiền gửi đợt 1/2019 của SHB, thời gian phát hành dự kiến đến 6/6/2019, nhưng có thể kết thúc sớm hơn khi huy động đủ 10.000 tỷ đồng tổng mệnh giá, theo nhu cầu đã được tính toán.

Nhu cầu bổ sung vốn trung và dài hạn cũng đang nổi bật trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay. Nó gắn với hai yếu tố chính, trong đó có xu hướng chủ đạo trong các chiến lược hoạt động. Bên cạnh huy động tiết kiệm thông thường, chứng chỉ tiền gửi với những đặc điểm trên, trở thành công cụ hỗ trợ.

Thứ nhất, nhu cầu vốn trung dài hạn tăng lên một phần do từ đầu năm 2019 các ngân hàng thương mại phải hạ giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%. Trong khi đó, nhu cầu vay trung dài hạn của nền kinh tế vẫn ở mức cao, để đáp ứng thì gia tăng tỷ trọng vốn huy động trung dài hạn cũng là một hướng.

Thứ hai, những năm gần đây và hiện nay, cũng như phía trước, xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ với tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng đã khẳng định. Trong tín dụng bán lẻ, nhu cầu vốn trung dài hạn chiếm tỷ trọng lớn.

Cụ thể, tín dụng bán lẻ và tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh tại Việt Nam những năm gần đây gắn với đặc điểm của thị trường có cơ cấu "dân số vàng" trong khoảng 95 triệu người. Nhu cầu vay mua nhà ở, mua ôtô mở rộng và tăng cao qua từng năm - nhu cầu thường gắn với các khoản vay trung dài hạn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối 2018, dư nợ cho vay phục vụ đời sống của hệ thống đã lên tới 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với mức tăng trưởng lên tới 29,38% so với cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng tới 78%.

Trước nhu cầu lớn đó, chứng chỉ tiền gửi trở thành công cụ linh hoạt để các ngân hàng chủ động cân đối nguồn. Mặt khác, nó tạo thêm những lợi ích và lựa chọn cho người gửi tiền.

Như tại chương trình phát hành của SHB, bên cạnh lãi suất lên tới 8,9%/năm, chứng chỉ tiền gửi còn là tài sản linh hoạt cho khách hàng. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, họ có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn. Đáng chú ý, SHB áp dụng chính sách lãi suất cầm cố ưu đãi, bằng chính lãi suất của chứng chỉ tiền gửi.

Ngoài ra, khách hàng có thể dùng chứng chỉ tiền gửi đó làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại SHB và các tổ chức tín dụng khác hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng… theo quy định.