09:00 21/06/2022

Làm báo kinh tế: “Đau đầu” với báo cáo tài chính

Phan Linh

Môn kế toán thực sự không “dễ nuốt” đối với một phóng viên. Nhưng, việc am hiểu những con số là kết quả của hoạt động kinh doanh lại tối quan trọng nếu bạn là phóng viên kinh tế chuyên theo dõi các doanh nghiệp – những mạch máu của nền kinh tế...

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố các báo cáo tài chính chi tiết hàng quý, hàng năm của họ. Với vai trò là người quan sát trên thị trường, phóng viên tài chính phải có khả năng nắm bắt, đánh giá, phân tích thông tin để làm cơ sở cho các nhận định trong bài viết của mình.

PHẢI CÔNG BẰNG VÀ CHÍNH XÁC

Báo cáo tài chính của một doanh nghiệp được hiểu giống như một bộ sơ yếu lý lịch về doanh nghiệp giúp nắm được những thông tin cơ bản nhất về tình hình kinh doanh, cơ cấu tài sản cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Đây là những thông tin hữu ích giúp công chúng/nhà đầu tư nắm rõ hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dự phóng xu hướng tăng trưởng trong tương lai.

Chính vì vậy, những bài báo phân tích sâu về bức tranh tài chính của một doanh nghiệp, nhất là công ty đại chúng/doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là một kênh tham khảo mà hàng ngàn độc giả đón đợi.  Muốn trở thành một phóng viên chuyên theo sát tình hình  tài chính doanh nghiệp, người làm báo còn phải nỗ lực cập nhật những kiến thức về nhiều ngành trong nền kinh tế.

Nếu chỉ xem xét các số liệu được trình bày trong báo cáo tài chính kiểm toán là chưa đủ. Phóng viên cần xem xét các số liệu của doanh nghiệp trong bối cảnh của cả ngành công nghiệp lẫn hiệu quả kinh doanh của nhiều năm liền.

Trong rất nhiều trường hợp, phóng viên tiếp tục phải đeo bám các chuyên gia để có được những nhận định xác đáng nhất. Với sức lan tỏa của báo chí, tôi hiểu rằng mỗi bài viết của mình có thể tác động đến quyết định của hàng ngàn nhà đầu tư, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến sự sống – còn của doanh nghiệp. Bởi vậy, tôi luôn đặt sự thận trọng lên hàng đầu.

 

Đối với người làm báo, không bao giờ được lơ là nguyên tắc khách quan, trung thực.

Xác định theo đuổi nghề báo thì phải dám dấn thân, chịu trách nhiệm và dũng cảm để theo đuổi sự thật. Chắc chắn sẽ chẳng doanh nghiệp nào vui vẻ và dễ chịu nếu như phóng viên trích dẫn những quan điểm đối lập hay chỉ ra một “mụn nhọt” trên bộ mặt công ty. Tuy nhiên, trách nhiệm của phóng viên chính là phải tường thuật công bằng và chính xác những gì doanh nghiệp đang làm. Phóng viên tài chính phải không ngừng trui rèn các kỹ năng quan sát, tính kiên trì, khả năng đặt câu hỏi trúng và đúng để khai thác nhiều nhất các khía cạnh khác nhau của vấn đề.

Quan trọng hơn cả, phóng viên phải luôn giữ được một “trái tim nóng”, quan tâm tới con người, xã hội và mong muốn làm cho xã hội tốt đẹp lên thông qua các bài viết của mình. Với phóng viên tài chính, điều này thể hiện qua nỗ lực làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn, giảm bất đối xứng thông tin giữa các nhóm khác nhau trên thị trường.

THỦ THỈ VỚI NHỮNG CON SỐ

Người ta hay ví von phóng viên, nhà báo là những “người kể chuyện”.

Kể câu chuyện của các con số sao cho lôi cuốn, hấp dẫn là một thử thách rất lớn với tôi. Mỗi ngày, tôi vẫn không ngừng học hỏi để tăng độ nhạy bén với những câu chuyện mới phát sinh và những góc độ mới của những câu chuyện cũ.

Những ý tưởng hay có thể đến từ gợi ý của lãnh đạo tòa soạn, từ những thắc mắc/băn khoăn của cổ đông, từ các nhân viên, khách hàng của doanh nghiệp...Thậm chí, từ một câu chuyện mà phóng viên tình cờ nghe được trong quán ăn…Tóm lại, phóng viên phải kích hoạt trực giác của mình ở mọi lúc, mọi nơi để tìm kiếm đề tài, phát triển thành bài viết.

Sau khi đã có đủ nguyên liệu, công đoạn chế biến, trình bày một bài báo sao cho hấp dẫn cũng vô cùng thách thức nhưng đầy thú vị. Làm thế nào để khắc phục được sự khô cứng của những bài viết đầy ắp dữ liệu, số liệu? Phải luôn tìm cách diễn đạt dễ hiểu, đại chúng thay cho những thuật ngữ chuyên môn. 

Cứ mỗi ngày “lăn lộn” như vậy, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn. Đó chính là hạnh phúc ràng buộc tôi với nghề báo.