Lần đầu “đăng đàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà liên tục được “nhắc”
Ngay khi trả lời năm vị đại biểu đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đã hơn một lần phải nhắc Bộ trưởng chú ý bám sát câu hỏi
Chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Ông nói ông rất vinh dự và cảm động lần đầu tiên có mặt ở diễn đàn này. Nhưng có lẽ vì cảm động nên ngay khi ông trả lời năm vị đại biểu đầu tiên thì Chủ tịch Quốc hội đã hơn một lần phải nhắc ông chú ý bám sát câu hỏi của đại biểu.
Và có tới hai lần, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Bộ trưởng bám theo thứ tự từng đại biểu để trả lời cho rõ, vì có lúc ông nhầm chất vấn của đại biểu này với đại biểu khác.
Nỗi lo về môi trường thể hiện trong các chất vấn dành cho Bộ trưởng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói cử tri và nhân dân Quảng Bình thiếu niềm tin, băn khoăn và không chỉ cho thế hệ hiện tại mà trong cả thế hệ tương lai với sự cố Formosa.
Với trách nhiệm của mình Bộ trưởng hãy cho biết cơ sở nào để đảm bảo Formosa sắp tới sẽ không gây ô nhiễm môi trường?
Đối với Formosa thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm, Bộ trưởng khẳng định.
Ông cho biết, sau khi xác định được các vi phạm của Formosa, chỉ ra các nguyên nhân cũng như các nguồn gây ô nhiễm và có tiềm năng gây ra sự cố môi trường thì Bộ đã thành lập một hội đồng liên ngành.
Hội đồng gồm các nhà khoa học của các viện có uy tín trong cả nước để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch để yêu cầu phía doanh nghiệp phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể.
Trong quá trình Formosa khắc phục, có một tổ công tác do Viện hàn lâm khoa học công nghệ trực tiếp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành một ban theo dõi và giám sát 24/24, giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Formosa thải ra.
Về biện pháp xử lý, theo Bộ trưởng thì Formosa phải đáp ứng các yêu cầu cuả Bộ, nếu tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì áp thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động, quan trắc đầy đủ thông số và chuyển thẳng về cho cơ quan quản lý nhà nước ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
"Có thể nói các quy trình và yêu cầu công nghệ xử lý đối với Formosa chúng ta đã thống nhất tích cực thực hiện với tinh thần đảm bảo xây dựng nhà máy đảm bảo an toàn đối với môi trường và có thể duy trì lâu dài không xảy ra sự cố và có thể phát triển bền vững ở địa phương", Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Để kiểm soát tốt hơn, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện thiết kế một hệ thống giám sát toàn diện vấn đề môi trường biển. Hệ thống này sẽ giám sát tự động tất cả các thông số và có thể hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải của Formosa từ khi thải cho đến nước thải.
Nhưng, trong dài hạn thì Formosa cần phải tiếp tục trong vòng 2 năm thay đổi về cơ bản công nghệ về cốc, từ cốc ướt sang cốc khô, Bộ trưởng cho biết tiếp.
Trong quá trình thanh tra phát hiện 53 lỗi của Formosa, đến nay đã khắc phục hết chưa, triệt để chưa và trách nhiệm của các cá nhân có liên quan sẽ xử lý thế nào? đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tiếp tục chất vấn về Formosa.
Tuy nhiên, câu hỏi này sáng 16/11 Bộ trưởng mới có thể trả lời, do thời gian buổi chiều đã hết.
Bên cạnh Formosa, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng về đánh giá tác động môi trường.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt vấn đề: Bộ quản lý tổ chức, hoạt động đánh giá tác động môi trường kiểu gì, thực hiện như thế nào mà chỉ sau một thời gian hoạt động không lâu thì các nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc đến như vậy. Có tiêu cực gì hay không? Có hay không vấn đề buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng chậm phát hiện, chậm xử lý và thời gian tới Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm và giải pháp chấn chỉnh các sai phạm vi phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra như thế nào?
Thừa nhận đúng đánh giá tác động môi trường hiện nay có bất cập, Bộ trưởng nêu bất cập thứ nhất liên quan đến quá trình xử lý giữa các luật, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng phân tích, căn cứ để phê duyệt giấy phép đầu tư chính là phải có đánh giá tác động môi trường. Nhưng tại giai đoạn phê duyệt giấy phép đầu tư lúc đó mới chỉ là ý tưởng dự án nên chưa tính toán đầy đủ toàn bộ quá trình.
"Chúng tôi thấy đây là một tồn tại và đã đề xuất sửa, quy định chặt chẽ quá trình này và gắn với cơ chế trách nhiệm cụ thể trong quá trình giám sát vận hành thử đến thanh tra, kiểm tra sau này", Bộ trưởng nói.