Làn sóng Covid-19 buộc Nhật Bản công bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 7/1 công bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và các vùng phụ cận
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 7/1 công bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và các vùng phụ cận, một động thái nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày tại thủ đô của Nhật Bản lên mức cao kỷ lục.
Theo tin từ Bloomberg, tình trạng khẩn cấp được áp dụng đối với Tokyo và các tỉnh lân cận gồm Kanagawa, Saitama và Chiba. Ông Suga nói rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Biện pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 8/1 đến ngày 1/2 và được đưa ra sau khi Tokyo phát hiện 2.447 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 7/1, một con số cao chưa từng thấy.
Tình trạng khẩn cấp mà Nhật Bản áp dụng lần này không giống như phong tỏa ở một số khu vực ở châu Âu. Thay vào đó, Chính phủ Nhật triển khai những biện pháp ít nghiêm ngặt hơn so với trong thời gian áp tình trạng khẩn cấp vào năm ngoái. Trong năm 2020, việc sử dụng những biện pháp mạnh tay để chống Covid-19 đã khiến nền kinh tế Nhật Bản sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử.
"Làn sóng lây nhiễm hiện nay tệ hơn những gì mà chúng ta hình dung, nhưng tôi tin chúng ta có thể vượt qua được", ông Suga nói tại một cuộc họp báo. "Để làm được việc đó, chúng tôi buộc phải đề nghị các bạn chấp nhận các biện pháp hạn chế".
Cư dân tại các khu vực có tình trạng khẩn cấp được yêu cầu tránh ra ngoài sau 8 giờ tối, các quán bar và nhà hàng sẽ phải đóng cửa muộn nhất vào thời gian đó. Ông Suga cũng đang cân nhắc điều chỉnh luật để bổ sung hình phạt đối với những cơ sở kinh doanh không tuân thủ biện pháp chống dịch, đồng thời khen thưởng những cơ sở làm tốt.
Chính phủ Nhật cũng yêu cầu các công ty cho nhân viên làm việc từ xa, nhằm giảm 70% lượng người đi lại hàng ngày tại các khu vực trên. Ông Suga tuyên bố trợ cấp tới 1,8 triệu Yên, tương đương 17.000 USD, mỗi tháng cho những nhà hàng và quán ăn tuân thủ quy định về rút ngắn thời gian mở cửa.
Làn sóng virus mới đang đặt ra thách thức lớn đối với Thủ tướng Suga, người đang nỗ lực vực dậy tăng trưởng kinh tế sau cú sốc do đại dịch gây ra. Một phần trong nỗ lực này của ông Suga là chương trình kích cầu du lịch nội địa, nhưng chương trình đã bị đình chỉ do vấp phải sự chỉ trích cho rằng sẽ khiến virus lây lan mạnh hơn.
Tỷ lệ ủng hộ của cử tri Nhật đối với ông Suga đã giảm mạnh thời gian gần đây. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy hầu hết người dân muốn thắt chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch.
Theo phân tích của Bloomberg, việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ khiến nền kinh tế Nhật mất 0,7% sản lượng mỗi tháng. Tokyo và các vùng phụ cận chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản. Ngoài ra, các khu vực khác cũng có nguy cơ bị áp tình trạng khẩn cấp trong thời gian tới.
Từ trước khi tình trạng khẩn cấp được công bố, kinh tế Nhật Bản đã được dự báo giảm tốc trong quý 1/2021do các công ty giảm đầu tư và các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng khẩn cấp sẽ làm gia tăng khả năng kinh tế Nhật một lần nữa rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.