15:42 16/12/2021

Làn sóng Omicron biến London thành “thị trấn ma” ngay trong mùa Giáng sinh

An Huy

Nước Anh đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, khiến các nhà hàng điêu đứng...

Những chiếc bàn trống tại một quán rượu trong giờ nghỉ trưa ở khu Leadenhall Market, London, Anh hôm 14/12 - Ảnh: Bloomberg.
Những chiếc bàn trống tại một quán rượu trong giờ nghỉ trưa ở khu Leadenhall Market, London, Anh hôm 14/12 - Ảnh: Bloomberg.

Chủ của Parlez, một quán rượu kiêm nhà hàng ở khu vực phía Nam của London, hy vọng tình hình kinh doanh trong mùa Giáng sinh năm nay sẽ phục hồi hoàn toàn sau khi đóng băng vì phong toả chống Covid vào dịp này năm ngoái. Nhưng hy vọng đó vụt tắt khi tất cả các nhóm khách đặt bàn trong tuần này đều báo huỷ.

Nước Anh đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giám đốc Y tế England, ông Chris Whitty, ngày 15/12 cảnh báo rằng số ca nhiễm ở cấp độ “hiện tượng” đồng nghĩa các bác sỹ và y tế tất yếu sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức. Điều này làm cho các doanh nghiệp như Parlze cảm thấy bi quan về những gì sắp xảy đến.

LÂY NHIỄM KỶ LỤC ĐÚNG MÙA LỄ HỘI

Các biện pháp hạn chế đã được áp trở lại, bao gồm khuyến cáo làm việc tại nhà, khiến những người có ý định gặp gỡ bạn bè và ăn uống ở nhà hàng phải nghĩ lại – ông Matt Ward, chủ của Parlez, nhận định. Công việc kinh doanh tại một quán rượu khác của ông Ward, có tên White Horse ở khu Brixton thuộc phía Nam London, cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề.

“Quán đó chưa phục hồi về mức doanh thu trước Covid, mà giờ sự bất ổn đã quay trở lại”, chủ quán than thở. “Chúng tôi đã có một ngày thứ Bảy vừa rồi đông khách, nhưng rồi Chủ nhật vắng vẻ, thứ Hai tình hình cũng tốt, song thứ Ba lại chẳng thấy khách đâu”.

Ngành khách sạn-nhà hàng của Anh, trong lúc đang cố gắng hồi phục sau quãng thời gian phong toả kéo dài nhiều tháng hồi đầu năm nay, lại một lần nữa hứng chịu tổn thất kinh tế khi đại dịch tăng tốc trở lại. Ngày 15/12, Anh ghi nhận 77.741 ca nhiễm mới, một con số cao kỷ lục.

Khác với những đợt bùng dịch trước, lần này các khách sạn và nhà hàng ở Anh không nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ. Các cơ sở kinh doanh khách sạn-nhà hàng ở Anh hiện vẫn được mở cửa, nhưng vì dịch bệnh mà kinh doanh lại trở nên ế ẩm vào đúng mùa lễ hội – thời kỳ cao điểm hàng năm.

Ở quận tài chính London, có chưa đến 30 khách ngồi uống bên ngoài các quán rượu trên phố Watling vào hôm thứ Tư. Tình hình kinh doanh cũng ảm đạm ở khu Leadenhall Market, nơi các quán rượu vào tháng 12 hàng năm thường đông nghẹt các vị khách là những nhà môi giới bảo hiểm.

“Sự sụt giảm doanh thu là một điều tồi tệ đối với các nhà hàng, nhất là ở trung tâm của những thành phố lớn như London”, CEO Des Gunewardena của D&D London, công ty quản lý 43 nhà hàng, quán bar và khách sạn, chủ yếu ở London, phát biểu.

Tuần trước, D&D chứng kiến 15% lượng khách đặt trước báo huỷ. Tuần này, tình hình thậm chí có thể còn tệ hơn – ông Gunewardena cho hay. “Chính phủ cần vào cuộc và bù đắp đầy đủ cho chúng tôi khoản thiệt hại lớn về lợi nhuận do các biện pháp chống Covid gây ra”, ông nói.

Đầu bếp thượng hạng của Anh Tom Kerridge hôm thứ Ba tuần này lên mạng xã hội tiết lộ rằng. 654 vị khách đã huỷ đặt bàn tại nhà hàng của ông trong 6 ngày qua, đồng thời cảnh báo nhiều nhà hàng sẽ sụp đổ nếu không được hỗ trợ.

Không chỉ các nhà hàng vắng khách, các phương tiện giao thông công cộng ở London cũng trở nên vắng vẻ lạ thường. Số liệu chính thức cho thấy số người đi tàu điện ngầm ở London vào giờ cao điểm ngày thứ Hai tuần này giảm khoảng 20%.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cố gắng giữ thế cân bằng mong manh giữa một bên là các nhà khoa học tin rằng việc siết chặt các biện pháp chống Covid là cần thiết để kiểm soát biến chủng Omicron, và một bên là các đồng nghiệp trong Đảng Bảo thủ của ông – những người đã đặt ra mối lo ngại về sự xói mòn các quyền tự do của người dân.

Ông Johnson đối mặt với vụ nổi loạn lớn nhất trong nhiệm kỳ Thủ tướng vào hôm thứ Ba tuần này, khi các nghị sỹ Bảo thủ phản đối một số phần trong chiến lược chống Covid mang tên “Kế hoạch B” của ông. Đối mặt với sức ép vì đã có một loạt nước đi sai, và tỷ lệ ủng hộ đang giảm sút, ông đã mở một cuộc họp báo vào hôm thứ Tư để kêu gọi người dân “thận trọng” trước lễ Giáng sinh.

DOANH NGHIỆP LO THIỆT HẠI KINH TẾ

Các tổ chức vận động hành lang của doanh nghiệp Anh kêu gọi ông Johnson không để các cơ sở kinh doanh trong tình trạng không được bảo vệ trong khi Chính phủ tìm kiếm sự bảo vệ cho sức khoẻ công chúng. Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) gọi “Kế hoạch B” là một chiến lược “thực tế và nhạy bén”, nhưng cảnh báo về “những hậu quả không thể lường trước” trong tương lai đối với nền kinh tế.

“Chúng tôi lo ngại rằng những gì Chính phủ nói sẽ dẫn tới sự hình thành của một tinh thần phong toả, trong khi các biện pháp được đề xuất thực ra chưa đến mức như thế. Kết quả là một đòn kép giáng vào các doanh nghiệp, khi doanh nghiệp vừa hứng chịu sự sụt giảm nhu cầu, vừa không được hỗ trợ tương xứng”, CBI nói trong một tuyên bố.

UKHospitality, hiệp hội của ngành khách sạn-nhà hàng Anh, cho biết lợi nhuận của các quán rượu và nhà hàng ở nước này có thể giảm tới 40% trong tháng 12 này do khách huỷ đặt chỗ.

Không chỉ các nhà hàng gặp khó, ngành bán lẻ Anh – lĩnh vực kinh tế tư nhân sử dụng nhiều lao động nhất ở nước này – cũng đang điêu đứng. Giáng sinh là khoảng thời gian người Anh mua sắm nhiều nhất trong năm, nên cũng là dịp các công ty bán lẻ ở nước này kiếm “đậm” nhất. Nhưng quy luật này không thể đúng trong năm nay, khi Covid bùng phát đúng mùa lễ hội.

CEO Alex Baldock của công ty bán lẻ hàng điện tử Currys Plc nói rằng thị trường năm nay đã kém hơn bình thường từ trước Giáng sinh, và các biện pháp hạn chế sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

“Cần phải có một lý do rất rõ ràng về sức khoẻ công chúng thì ngành bán lẻ mới phải đóng cửa lần nữa. Ở đây có 3 triệu công việc và 17 tỷ Bảng (22,5 tỷ USD) tiền thuế đang bị đe doạ. Chúng tôi đang ở vị thế tốt để phục hồi, chúng tôi không xin xỏ gì, chúng tôi chỉ muốn được làm ăn”, ông Baldock nói.

Ngay cả giải bóng đá Ngoại hạng Anh cũng đang bị đe doạ. Số ca nhiễm tăng mạnh đã buộc nhiều trận đấu bị hoãn, như trận Burnley-Watford ngày thứ Tư.

Đứng kế bên ông Johnson trong cuộc họp báo ở Văn phòng Thủ tướng Anh trên phố Downing, bà Nikki Kanani – Giám đốc phụ trách chăm sóc ban đầu thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh – nói rằng người hâm mộ thể thao nên đóng góp vào việc ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron.

“Nếu các bạn tới sân vận động vào cuối tuần, thì hãy đến để tiêm vaccine hoặc vận động người khác tiêm vaccine, thay vì đi xem một trận đấu”, bà Kanani nói.