14:14 16/12/2021

“Omicron là hồi chuông cảnh tỉnh với thế giới: Không thể đóng cửa mãi mãi”

Hoài Thu

Trải qua các biến thể Covid-19 cho tới Omicron gần đây, một số nhà khoa học nhận định, quan điểm cho rằng một cá nhân hay quốc gia có thể bảo vệ mình bằng cách dựng lên các bức tường xung quanh đã được chứng minh là không thực tế...

Sân bay quốc tế Kansai tại Nhật Bản gần như không có người qua lại ngày 2/12 - Ảnh: Nikkei Asia
Sân bay quốc tế Kansai tại Nhật Bản gần như không có người qua lại ngày 2/12 - Ảnh: Nikkei Asia

Cuối tháng 11, Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho biến thể Covid-19 phát hiện lần đầu ở Nam Phi là Omicron và gắn nhãn “biến thể đáng lo ngại”. Trên khắp thế giới, sự xuất hiện của Omicron gây hoang mang khi mà chỉ khoảng một tháng trước đại dịch có vẻ đã suy yếu, theo Nikkei Asia.

Đến nay biến thể này đã lan ra gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều quốc gia bên ngoài châu Á đã ghi nhận sự lây lan khó kiểm soát của Omicron. Tại Anh, tổng số ca nhiễm Omicron được xác nhận hôm 13/12 là 4.700 ca. Cơ quan an ninh y tế Anh dự báo số ca nhiễm biến thể này có thể tăng lên tới 200.000 người mỗi ngày. Tại Nam Phi, ngày 15/11, số ca nhiễm Omicron được phát hiện chỉ chiếm 22% tổng số mẫu xét nghiệm Covid-19, trong khi biến thể Delta chiếm 68%. Tuy nhiên, đến ngày 12/10, biến thể mới chiếm 100% các mẫu xét nghiệm.

HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH

Ngay sau khi những thông tin ban đầu về biến thể này được đưa ra, nhiều quốc gia đã lập tức siết chặt kiểm soát biên giới, cấm nhập cảnh với người từ Nam Phi cũng như một số quốc gia châu Phi lân cận.

Trước những động thái này, WHO khuyến cáo các quốc gia không nên quá hoảng loạn và ban hành các lệnh cấm đi lại khi mà các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để kết luận về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của Omicron.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron, cũng như khi ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên xuất hiện trước đây, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh rằng không quốc gia nào có thể thoát khỏi đại dịch nếu chỉ bảo vệ người dân của nước mình.

Điều đặc biệt đúng với vấn đề vaccine. Phản ứng của các quốc gia với biến thể mới, như tăng tốc chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường ở những nước giàu, được cho là sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu, góp phần làm gia tăng lây lan Omicron tại miền Nam châu Phi.

“Tôi cho rằng Omicron hiện tại như một hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng toàn cầu”, Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ, nhận xét. “Quan điểm cho rằng bạn có thể dựng lên các bức tường xung quanh mình và như vậy có thể bảo vệ bạn – dù bạn là cá nhân hay một quốc gia – đã nhiều lần được chứng minh là không thực tế”.

Nhiều quốc gia lập tức đóng cửa biên giới với Nam Phi và một số quốc gia láng giềng khi biến thể Omicron xuất hiện - Ảnh: Reuters
Nhiều quốc gia lập tức đóng cửa biên giới với Nam Phi và một số quốc gia láng giềng khi biến thể Omicron xuất hiện - Ảnh: Reuters

Khi nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng lệnh cấm đi lại từ một số nước châu Phi, ngày 28/11, xuất hiện trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhắc đích danh Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia, Thái Lan… và nói rằng ông “vô cùng thất vọng” về những hạn chế mà họ đưa ra với người từ Nam Phi và các nước láng giềng.

Vài ngày sau đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lên tiếng ủng hộ ông Ramaphosa và cảm ơn Nam Phi, Botswana vì đã phát hiện ra Omicron, đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể sẽ không muốn báo cáo về các ca nhiễm biến thể này vì lo sợ bị hạn chế đi lại.  

Theo các nhà khoa học, lệnh cấm nhập cảnh của nhiều quốc gia có những kẽ hở và không hiệu quả.

“Nếu thực hiện lệnh cấm đi lại đủ sớm và triệt để, thì một nước có thể ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập. Tuy nhiên, chỉ cần một hoặc hai người đã vào đất nước trước khi họ biết về biến thể đó, thì việc áp dụng lệnh cấm giống như mất bò mới lo làm chuồng vậy”, Tiến sĩ Bettie Steinberg tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein của mạng lưới chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Northwell Health, phân tích.

Bà Steinberg cho rằng các lệnh cấm đi lại chỉ có thể làm chậm việc lây lan một thời gian ngắn, và với việc một số nước vẫn cho phép công dân của họ đi lại dù cấm người nước ngoài, lệnh cấm gần như vô ích.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ El-Sadr cho rằng việc thúc đẩy tiêm chủng, đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc sẽ hiệu quả hơn so với các lệnh cấm nhập cảnh.

KHÔNG THỂ ĐÓNG CỬA MÃI MÃI

“Chiến lược không Covid (zero Covid) của các nước như Trung Quốc, New Zealand có thể hiệu quả trong giai đoạn đầu của dịch nhưng không phải chiến lược có thể áp dụng trong dài hạn”, ông El-Sadr nhận xét. “Thật khó tưởng tượng một quốc gia có thể ngăn chặn hoàn toàn người đến từ một quốc gia khác hoặc ngăn họ tiếp xúc với người khác".

Theo ông, rất khó để duy trì chiến lược zero Covid mà không gây ra những ảnh hưởng về mặt nhân đạo hay chia rẽ các gia đình, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế, thương mại…

Với bản chất của các đột biến của virus cũng như sự lây nhiễm đột phá (breakthrough infection – trường hợp nhiễm virus dù đã tiêm vaccine), các quốc gia không thể đóng cửa mãi mãi.

 

"Thật khó tưởng tượng một quốc gia có thể ngăn chặn hoàn toàn người đến từ một quốc gia khác hoặc ngăn họ tiếp xúc với người khác".

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ

“Châu Á là khu vực có xu hướng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với hoạt động đi lại xuyên biên giới so với phần còn lại của thế giới. Việc này gây ra tác động tới thương mại và tăng trưởng của khu vực lớn hơn so với các biến thể được phát hiện trước đó”, Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng về Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết.

Trong 20 tháng qua, Nhật chỉ mở cửa biên giới trong 4 tháng. Một cuộc thăm dò đầu tháng này của Yomiuri Shimbun, cho thấy động thái nhanh chóng đóng cửa biên giới của Thủ tướng Fumio Kishida nhận được sự ủng hộ của 89% công chúng Nhật. Hiện tại, nước này đã tiêm vaccine cho 78% dân số đủ điều kiện tiêm, mức cao nhất trong nhóm các nước G7 và có số ca nhiễm bình quân 7 ngày qua chỉ hơn 100 ca.

"Sự ủng hộ của công chúng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vẫn rất lớn, do đó chúng tôi dự báo nhà chức trách Nhật sẽ tiếp tục hành động thận trọng bất chấp áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp”, Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics Nhật Bản, cho biết.