Lan toả “hào khí doanh nhân Việt Nam” trong thời kỳ mới
Ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam” sẽ góp phần lan toả và truyền cảm hứng thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân, vun đắp, xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới…
Ngày 16/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức họp báo phát động cuộc thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam”.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng trải qua gần 40 năm đổi mới của đất nước, giới doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có vị thế và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã đạt số lượng nhiều triệu người, đang lãnh đạo, quản lý, điều hành gần 1 triệu doanh nghiệp, gần 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dự kiến đến năm 2025 cả nước sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp.
Đội ngũ này đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vươn lên đứng thứ 37 thế giới về quy mô GDP, nằm trong TOP 20 thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Năm 2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ, vượt qua cả nước Anh, đối tác thương mại truyền thống của Hoa Kỳ. Một số doanh nhân Việt Nam đã có tên trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Hiện có trên 1.600 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn gần 22 tỷ USD.
“Nét tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa doanh nghiệp và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc TOP đầu trong khu vực và thế giới, thực hiện nguyện ước của Bác Hồ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ngày 13/10/1945 Bác đã viết thư tay gửi giới công – thương, nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương là “hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”, đồng thời khẳng định: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết”.
Đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của giới doanh nhân Việt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Vị trí của giới doanh nhân cũng lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành và đã thông qua nhiều văn bản luật pháp, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, để doanh nhân Việt Nam thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để xây dựng các giá trị đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới, ngày 19/5/2022 nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 6 điều: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật, minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Mặc dù có vai trò, vị thế quan trọng như vậy, nhưng lãnh đạo VCCI cho rằng trong khi hầu hết các giới, các ngành ở Việt Nam đều đã có bài hát truyền thống của mình, thì giới doanh nhân non trẻ của nước Việt Nam thời đại mới lại chưa có ca khúc truyền thống chung.
Chính vì thế, việc tổ chức thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam” vừa đáp ứng nguyện vọng của giới doanh nhân, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam được nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Trưởng Ban Giám khảo), nội dung các tác phẩm dự thi cần thể hiện được hào khí, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc khát vọng cống hiến xây dựng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai các cường quốc năm châu.
Đồng thời cổ vũ, lan toả các giá trị, chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiến bộ, của doanh nhân Việt Nam. Khẳng định bản sắc, tinh thần sáng tạo, vượt khó, trách nhiệm xã hội, các thành tựu và đóng góp của giới doanh nhân trong xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Ban tổ chức đã công bố thể lệ, thể thức, nguyên tắc bình chọn và các điều kiện cần thiết khác để tham gia cuộc thi. Theo đó, đối tượng tham gia gồm các nhạc sỹ chuyên và không chuyên là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong nước và ngoài nước. Không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp, là tác giả của các tác phẩm âm nhạc phù hợp với tiêu chí của cuộc thi đều có quyền gửi tác phẩm tham dự. Khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp tham gia phong trào này. Không giới hạn tác phẩm tham gia cuộc thi.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Bắt đầu từ ngày 17/3/2023 đến 17h ngày 31/7/2023. Giải nhất trị giá 200 triệu đồng sẽ được trao cho bài hát được chọn lựa là ca khúc truyền thống.
Kết quả cuộc thi, bài hát và các tác giả đạt giải sẽ được công bố, vinh danh tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023 tại Hà Nội.