Lãnh đạo ly khai của Catalonia có thể lĩnh án 30 năm tù
Ông Puigdemont và những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ly khai ở Catalonia có thể bị buộc tội nổi dậy
Lãnh đạo xứ Catalonia bị sa thải, ông Carles Puigdemont, đã sang Bỉ và có thể đang tìm cách xin tị nạn tại quốc gia này.
Theo tin từ BBC, luật sư của ông Puigdemont là ông Paul Bekaert đã xác nhận việc thân chủ của mình sang Bỉ. Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin nói rằng ông Puigdemont đang muốn xin tị nạn, vị luật sư từ chối phát biểu.
Cơ quan công tố của Tây Ban Nha ngày 30/10 nói rằng ông Puigdemont và những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ly khai ở Catalonia có thể bị buộc tội nổi dậy. Nếu bị kết án với tội danh này, ông Puigdemont có thể phải ngồi tù tới 30 năm.
Vào ngày thứ Hai, Chính phủ Tây Ban Nha đã giành quyền kiểm soát trực tiếp Catalonia, thay thế bộ máy lãnh đạo của xứ này. Quyền tự trị của Catalonia, xứ giàu nhất Tây Ban Nha, cũng bị đình chỉ. Theo dự kiến, một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức ở Catalonia vào ngày 21/12 để lập ra một bộ máy chính quyền mới.
Động thái trên diễn ra sau khi ông Puigdemont và chính quyền Catalonia tuyên bố độc lập vào tuần trước. Không chấp nhận lời tuyên bố độc lập này, Madrid đã sa thải toàn bộ chính quyền Catalonia.
Truyền thông Bỉ nói rằng ông Puigdemont đã sang Bỉ cùng với 5 quan chức khác trong chính quyền bị sa thải của Catalonia.
Luật sư Bakaert, người được ông Puigdemont thuê sau khi sang Bỉ, cho biết nhà lãnh đạo ly khai của Catalonia hiện đang ở thủ đô Brussels. "Tôi là luật sư của ông ấy trong trường hợp cần thiết. Vào thời điểm hiện tại tôi chưa chuẩn bị cho ông ấy hồ sơ cụ thể nào", vị luật sư nói.
Ngày thứ Hai đã trôi qua trong hòa bình ở Catalonia, dù một số công chức của vùng này phớt lờ yêu cầu của Chính phủ Tây Ban Nha và không đi làm. Tuy 150 quan chức cấp cao nhất của chính quyền Catalonia bị sa thải, các công chức cấp dưới vẫn được giữ nguyên vị trí.
Việc Chính phủ Tây Ban Nha giành quyền kiểm soát trực tiếp Catalonia phù hợp với Điều 155 Hiến pháp nước này. Đây là lần đầu tiên Tây Ban Nha kích hoạt điều 155 Hiến pháp.
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng này, Catalonia được trao quyền tự trị cao nhất ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, vào hôm 1/10, ông Puigdemont tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm tách Catalonia thành một quốc gia độc lập. Trong cuộc trưng cầu dân ý bị Madrid tuyên bất hợp pháp ngay từ khi chưa diễn ra, 90% cử tri đi bỏ phiếu chọn ly khai, nhưng con số cử tri đi bầu chỉ đạt 43%.