01:13 24/12/2011

Lãnh đạo ngân hàng hợp nhất phần lớn đến từ Ficombank

Tú Uyên

Có tới 4/9 thành viên Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc SCB - ngân hàng hợp nhất - đến từ Ficombank

Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2011 - 2017 của ngân hàng hợp nhất gồm 9 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.
Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2011 - 2017 của ngân hàng hợp nhất gồm 9 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập.
Có tới 4/9 thành viên Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc SCB - ngân hàng hợp nhất - đến từ Ficombank.

Ngày 23/12/2011, đại hội cổ đông ba ngân hàng hợp nhất gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) đã được tổ chức tại Tp.HCM.

Đại hội này đã thông qua việc bầu Hội đồng Quản trị mới nhiệm kỳ 2011 - 2017 của ngân hàng hợp nhất, gồm 9 thành viên trong đó có 1 thành viên độc lập.

Các thành viên Hội đồng Quản trị mới gồm bà Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch Ficombank), ông Đinh Văn Thành (Phó chủ tịch Ficombank), ông Trần Thuận Hòa (thành viên Hội đồng Quản trị Ficombank), ông Uông Văn Ngọc Ẩn (Phó chủ tịch Ficombank), ông Võ Thành Hùng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần An Phú), ông Vũ Văn Thành (Chủ tịch TinNghia Bank), ông Trầm Thích Tồn (thành viên Hội đồng Quản trị SCB) và ông Phan Vĩ Dân (thành viên Hội đồng Quản trị SCB).

Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch Ficombank, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng mới qua hợp nhất; ông Uông Văn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch Ficombank làm Tổng giám đốc của ngân hàng hợp nhất. Còn thành viên Hội đồng Quản trị độc lập là bà Nguyễn Thị Phương Loan (thành viên Hội đồng Quản trị độc lập SCB).

Ban kiểm soát mới gồm có bà Lê Khánh Hiền (Phó chủ tịch SCB), Phạm Thu Phong và Trần Chấn Nam (thành viên ban kiểm soát Ficombank), Võ Thị Mười (thành viên Hội đồng Quản trị TinNghia Bank).

Tại đại hội trên, các nội dung về dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động; quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) - tên chính thức của ba ngân hàng hợp nhất - đã được các cổ đông thông qua với tỷ lệ phiếu thuận luôn trên 98%.

Các cổ đông cũng nhất trí ủy quyền cho Hội đồng Quản trị SCB quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông; chấp thuận ngân sách hoạt động của Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát năm 2012 là khoảng 3%/tổng chi phí hoạt động của năm 2012.

Đại hội cổ đông ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định và điều chỉnh mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác đối với thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát và ngân sách hoạt động cho phù hợp nhằm đảm bảo công tác quản trị điều hành đạt hiệu quả cao nhất.

Đại hội cổ đông ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định các vấn đề khác, bao gồm cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của SCB; quyết định việc thành lập công ty con; quyết định các vấn đề liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần hoặc rút vốn đầu tư tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều của SCB.

Ngoài ra, cổ đông cũng ủy quyền Hội đồng Quản trị quyết định các vấn đề về đầu tư, mua, bán tài sản của SCB có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của SCB; cũng như có thể quyết định việc tạm ứng cổ tức cho cổ đông trong năm (nếu có).

Trước đại hội này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận nguyên tắc về việc hợp nhất ba ngân hàng nói trên. Ngân hàng hợp nhất SCB sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của ba ngân hàng.

Sau đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB nói: “Sau hợp nhất, SCB có khả năng tốt hơn, phát huy thế mạnh về năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng quản lý điều hành để nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu trên thị trường. Hội đồng Quản trị SCB cam kết nỗ lực hết mình để thực thi quyền lợi và trách nhiệm mà đại hội đồng cổ đông giao phó”.