20:26 15/12/2011

Trên 90% cổ đông thông qua tên ngân hàng hợp nhất là SCB

Tú Uyên

Tên mới sau hợp nhất chính thức được đại hội đồng cổ đông đồng thuận là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB)

Vụ hợp nhất với ba ngân hàng thương mại đang dần đến đích về hình thức.
Vụ hợp nhất với ba ngân hàng thương mại đang dần đến đích về hình thức.
Ngày 15/12/2011 tại Tp.HCM, cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) đã đồng lòng thông qua kế hoạch hợp nhất ba ngân hàng theo các tờ trình đề xuất.

Theo đó, tên của ngân hàng mới sau hợp nhất được đại hội đồng cổ đông đồng thuận đặt tên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Saigon Commercial Bank - SCB). Ngân hàng mới sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của ba ngân hàng.

Tỷ lệ đồng thuận tại tất cả các tờ trình đều đạt trên 90% ở cả ba đại hội. Theo đó, các cổ đông nhất trí ủy quyền cho hội đồng quản trị của ba ngân hàng hợp nhất được toàn quyền quyết định, tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa ngân hàng hợp nhất sớm đi vào hoạt động theo lộ trình đã được phê duyệt.

Được biết, việc hợp nhất ba ngân hàng được thực hiện theo chủ trương đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố từ ngày 6/12. Theo dự thảo đề án hợp nhất và tái cơ cấu chung của Ficombank, TinNghiaBank và SCB, giá trị sổ sách của ba ngân hàng sẽ được chuyển giao cho đơn vị mới vào ngày hợp nhất và vốn điều lệ của ngân hàng mới là 10.583,8 tỷ đồng, bằng tổng vốn điều lệ của 3 ngân hàng tham gia cộng lại.

Hiện tại, trước khi hợp nhất, vốn điều lệ của Ficombank là 3.000 tỷ đồng, TinNghiaBank là 3.339 tỷ đồng và SCB là 4.185 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2011, tổng tài sản trước hợp nhất của FicomBank hơn 17.100 tỷ đồng, TinNghiaBank gần 59.000 tỷ đồng và SCB với 77.500 tỷ đồng.

Về tỷ lệ hoán đổi, đại hội đồng cổ đông đã quyết nghị hoán đổi cổ phiếu phổ thông của từng ngân hàng qua ngân hàng sau hợp nhất là 1:1 (Ficombank : SCB = 1:1; TinNghiaBank : SCB = 1:1; và SCB : SCB = 1:1).

Về cơ cấu cổ đông, ngân hàng mới sẽ có 3.693 cổ đông, trong đó cổ đông cá nhân chiếm 85,17%, cổ đông tổ chức là 14,41% và cổ phiếu quỹ là 0,41%. Số lượng nhân sự sau hợp nhất sẽ lên đến gần 4.000 người. Các cán bộ công nhân viên của ba ngân hàng đều được ổn định công tác tại ngân hàng “mới” và quyền lợi sẽ được điều chỉnh theo hướng bình quân chung hoặc tốt hơn so với hiện tại. Ngân hàng hợp nhất có mạng lưới hoạt động khá rộng với 230 điểm giao dịch.

Với chiến lược nâng cao năng lực tài chính sau hợp nhất, SCB sẽ tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để phát hành thêm tăng vốn; phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn cấp 2 nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn chung CAR và hướng tới mục tiêu đến năm 2014 vốn điều lệ xấp xỉ 16.000 tỷ đồng, trong đó số cổ đông mới chiếm khoảng 6.000 tỷ vốn điều lệ (tương đương 37,5%).

Dự kiến, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc việc hợp nhất, ngân hàng SCB “mới” sẽ tổ chức đại hội cổ đông hợp nhất vào ngày 23/12/2011 tới.