13:36 21/08/2008

Lao đao Tổng công ty Muối

Chu Khôi

Tuy “thống suất” cả ngành muối, nhưng năng lực tài chính của Tổng công ty Muối chỉ bằng một doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé

Một ruộng muối ở huyện đảo Cô Tô.
Một ruộng muối ở huyện đảo Cô Tô.
Ông Lê Nguyên Chương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Muối than thở: “Tuy là một tổng công ty “thống suất” cả ngành muối, thế nhưng nguồn lực tài chính hiện tại của cả Tổng công ty lại không bằng một doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ”.

Tổng công ty khởi đầu là Sở Muối Trung ương, trải qua nhiều lần thay đổi cơ chế hoạt động, từng là Cục Công nghiệp muối, đến năm 1985 chuyển thành Tổng công ty Muối Việt Nam. Hiện nay Tổng công ty có 13 đơn vị thành viên, trong đó có 5 công ty 100% vốn nhà nước hạch toán độc lập, 3 đơn vị phụ thuộc...

Tổng công ty quản lý 14 vùng kho dự trữ quốc gia mặt hàng muối.

Số phận dự án đồng muối lớn nhất nước

Từ năm 1999, tỉnh Ninh Thuận đã trình Chính phủ một đề án xây dựng đồng muối quy mô, mang tính khả thi cao. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt dự án khả thi và giao cho Tổng công ty Muối làm chủ đầu tư xây dựng Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ.

Ngày 20/11/2000, Tổng công ty Muối phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận khởi công dự án này. Theo thiết kế, với quy mô 2.500 ha (2.030 ha hữu hiệu) đây sẽ là đồng muối lớn nhất Việt Nam, hàng năm sẽ cung cấp hơn 300 nghìn tấn muối nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế, hơn 20 nghìn tấn thạch cao và 185 nghìn m3 nước ót.

Trong khuôn khổ dự án, một nhà máy chế biến muối tinh i-ốt cũng sẽ được xây dựng, với công suất 50 nghìn tấn/năm. Tổng kinh phí dự trù đầu tư cho dự án Quán Thẻ lên đến gần 323 tỷ đồng, dự kiến đến đầu năm 2002 sẽ đi vào sản xuất mẻ muối đầu tiên.

Thế nhưng dự án đồng muối Quán Thẻ lại dậm chân ở khâu giải phóng mặt bằng, với rất nhiều sai phạm từ phía ban đền bù giải phóng mặt bằng của dự án, dẫn đến nông dân khiếu kiện. Năm 2007, Công an tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố vụ án cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng trong khâu đền bù đất ở dự án Khu công nghiệp Muối Quán Thẻ.

Do vướng ở khâu giải tỏa đền bù và tiến độ thi công ì ạch, nên đến giờ dự án đồng muối Quán Thẻ vẫn chưa cho hạt muối nào. Năm 2005, thấy dự án đồng muối Quán Thẻ thi công quá chậm trễ, đồng thời nhận thấy nguy cơ thiếu muối sẽ xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm lại dự án này, và yêu cầu Tổng công ty Muối khẩn trương thi công trên diện tích 500 ha, đến năm 2006 phải cho ra muối.

Tổng công ty Muối đề nghị Nhà nước cấp 150 tỷ đồng, số vốn còn lại sẽ do Tổng công ty vay từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước. Ông Lê Nguyên Chương cho biết: “Mặc dù đã nhận từ Nhà nước hơn 100 tỷ đồng, thế nhưng dự án muối Quán Thẻ vẫn được thi công với tốc độ “rùa”, nguyên nhân do khâu quản lý và chỉ đạo của Tổng công ty Muối yếu kém.

Do kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nhiều, nên vốn của Tổng công ty Muối ngày càng cạn kiệt. Tất cả đội ngũ lãnh đạo của Tổng công ty Muối hết thiết tha với dự án Quán Thẻ, họ không còn muốn tiếp tục thực hiện vì đã hết tiền để đầu tư, nên đề xuất lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chuyển dự án sang công ty khác. Giữa tháng 2/2008, Tổng công ty Muối đã chính thức bàn giao cho Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long làm chủ dự án muối Quán Thẻ.

Ông Chương ngậm ngùi: “Sự việc phải nhường dự án Quán Thẻ cho một doanh nghiệp chưa từng làm muối, là bài học cay đắng đối với Tổng công ty Muối. Phải thừa nhận rằng năng lực lãnh đạo của Tổng công ty Muối hiện nay quá kém”.

Ngay từ năm 2007 đã đoán biết được tình trạng thiếu muối sẽ xảy ra, Tổng công ty Muốn thu mua muối tích trữ để sau đó sẽ bình ổn thị trường, nhưng vì không có tiền nên đành chịu. Hầu hết các ngân hàng đều từ chối cho Tổng công ty vay vốn, vì họ biết rằng Tổng công ty đang là “con nợ” khó đòi của một số ngân hàng.

Dùng tiền dự trữ quốc gia để trả nợ

Trong thời gian triển khai dự án muối Quán Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận 1,4 tỷ đồng. Tiền đã chi hết, nhưng dự án vẫn ì ạch. Trước nguy cơ đổ bể dự án, ngân hàng đã ngừng cho vay, và đòi thu hồi vốn, nhưng Tổng công ty Muối vẫn khất lần, bởi lãi mẹ đẻ lãi con, sau 7 năm món nợ đã phát triển gần 2 tỷ đồng. Ngân hàng đành đệ đơn ra toà, kiện đòi tiền Tổng công ty Muối.

Toà dân sự Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đưa vụ việc ra xét xử và ngày 25/5/2007 có quyết định buộc Tổng công ty Muối phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi trên cho ngân hàng. Suốt hơn 1 năm, cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần gửi văn bản hối thúc Tổng công ty Muối thanh toán khoản nợ.

Dự án Muối Quán Thẻ đã được chuyển sang doanh nghiệp khác, nhưng để lại cho Tổng công ty Muối khoản nợ quá lớn so với nguồn lực tài chính hiện còn. Tổng công ty Muối “kêu cứu” lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hỗ trợ trả nợ. Ngày 15/5/2008, Bộ có văn bản số 2949BNN- TC, yêu cầu Tổng công ty Muối tiến hành việc kiểm toán toàn bộ dự án để xem xét xử lý những tồn tại.

Đòi mãi mà Tổng công ty Muối vẫn chưa thanh toán nợ, nên ngày 10/7/2008, cơ quan thi hành án Ninh Thuận đã phong toả toàn bộ tài khoản của Tổng công ty Muối tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Tổng số tiền của Tổng công ty Muối trong tài khoản này chỉ còn 788 triệu đồng, thế nhưng đó cũng không phải là tiền của Tổng công ty Muối mà là tiền của các đối tác ở miền núi ứng trước cho Tổng công ty để mua muối i-ốt về cung cấp cho dân theo chương trình mục tiêu quốc gia.

Cơ quan thi hành án Ninh Thuận ra “tối hậu thư” buộc Tổng công ty Muối phải thi hành án trong thời gian 15 ngày, nếu không sẽ cưỡng chế và thông báo sự việc lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng công ty muối đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nên đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp toàn bộ các thành viên trong ban lãnh đạo để bàn giải pháp tháo gỡ.

Cuối cùng Ban lãnh đạo Tổng công ty đã quyết định lấy tạm số tiền 1.973 triệu đồng từ nguồn tiền dự trữ muối quốc gia để trả nợ. Đây là tiền mà Tổng công ty thu được từ việc bán muối dự trữ quốc gia, đáng lẽ phải nộp vào kho bạc Nhà nước để sang năm tiếp tục mua muối theo chương trình dự trữ quốc gia. Tuy ngay sau đó, Tổng công ty đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thế nhưng Bộ chưa trả lời thì Tổng công ty Muối đã đem luôn tiền “mượn tạm” của Nhà nước để thanh toán món nợ.