Lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể được gia nhập công đoàn
Theo đại biểu Quốc hội, quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, và Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Quy định người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động, có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở, là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ngày 24/10.
ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn tỉnh Thanh Hoá, cho biết đây nội dung này được dư luận xã hội và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 7.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn đánh giá đây là quy định phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ký kết và tham gia hàng chục hiệp định đa phương và song phương.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2023 có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nguồn lao động này góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, việc dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với bối cảnh, nhu cầu thực tiễn của người lao động người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng, sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống luật pháp.
Đồng thời, việc cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam như dự thảo luật đang ghi nhận, là quy định quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Đồng thời, cũng phù hợp với Công ước quốc tế năm 1996 của Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nêu về quyền gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
“Việc bổ sung quy định này góp phần tạo sự bình đẳng giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài tại Việt Nam, làm tăng uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, sự công bằng giữa các lao động trong nước và nước ngoài”, đại biểu đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn tỉnh Kon Tum cho rằng việc cho phép người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động từ trong nước ra nước ngoài, và từ nước ngoài vào nước ta. Đồng thời, cũng thể hiện thái độ cởi mở của Đảng và Nhà nước ta, qua đó quyền, lợi ích hợp pháp của họ cũng được quan tâm và bảo vệ.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể thêm về điều kiện gia nhập công đoàn của người nước ngoài lao động tại Việt Nam, theo hướng họ phải tán thành tôn chỉ, mục đích của công đoàn, tự nguyện, và có trách nhiệm trong việc xây dựng công đoàn vững mạnh, tránh tình trạng lợi dụng việc gia nhập công đoàn để chống phá.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới có 53% người lao động nước ngoài có nhu cầu gia nhập công đoàn. “Đây cũng là vấn đề mới. Bởi vậy tôi nghĩ nên quy định ghi nhận quyền của họ, theo hướng “có thể, hoặc được gia nhập Công đoàn Việt Nam" thay vì khẳng định quyền này”, đại biểu Tô Văn Tám góp ý.
CÓ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Cũng đồng tình với việc cho phép người nước ngoài tham gia Công đoàn Việt Nam, song đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị loại trừ quyền thành lập công đoàn và làm cán bộ công đoàn của nhóm này, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn tỉnh Lạng Sơn, cũng cho rằng việc cho phép gia nhập công đoàn của người nước ngoài, không chỉ đáp ứng quyền lợi chính đáng của họ tại Việt Nam là cần được chăm lo, bảo vệ quyền lợi bình đẳng như lao động trong nước, mà còn là phương thức nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong truyền bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trước thế giới.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn tỉnh Tuyên Quang, đề nghị bổ sung rõ nội dung về phạm vi quyền lợi khi gia nhập công đoàn của công dân nước ngoài, là được giới hạn trong quan hệ lao động, nhưng được hỗ trợ về các vấn đề việc làm, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, giải quyết các tranh chấp lao động.
Qua đó đảm bảo việc công dân nước ngoài gia nhập công đoàn không phát sinh vai trò, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Giải trình cuối phiên họp, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói rằng việc cho phép người lao động nước ngoài có quyền gia nhập, và hoạt động Công đoàn Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc cần có các giải pháp đồng bộ để chủ động quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế từ sớm, từ xa những mặt tiêu cực.
Theo ông Khang, để hạn chế những tác động tiêu cực (nếu có) khi cho phép họ gia nhập Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cụ thể, được thể hiện trong dự thảo Luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
“Trong quá trình hoạt động, Công đoàn Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan, và cả hệ thống chính trị sẽ có các giải pháp, biện pháp căn cơ lâu dài để đảm bảo cho hoạt động công đoàn giữ vững, phát huy bản chất vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đảm bảo ngày càng hiệu quả, thiết thực”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định.