13:49 11/06/2022

Lao động qua đào tạo được thỏa thuận trả lương cao hơn lương tối thiểu

Phúc Minh

Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn (như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo) thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến quy định lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dự kiến áp dụng từ 1/7/2022 tới đây, Bộ Nội vụ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị quy định mức lương áp dụng đối với người lao động qua đào tạo cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu như tại Nghị định số 90 của Chính phủ.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây quy định Chính phủ ban hành nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp.

Căn cứ quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định một số nội dung có tính định lượng, bắt buộc trong nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương (trong đó có nguyên tắc mức lương thấp nhất của công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng).

Cụ thể như, mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất, trong điều kiện bình thường không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%.

Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động bình thường; khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc liền kề phải đảm bảo khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, nội dung này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi năng lực thương lượng của người lao động còn hạn chế. Đến nay việc quy định này được đánh giá là can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Vì vậy, triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ luật Lao động 2019 đã thể chế hóa, không còn quy định nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Theo đó, Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các mức lương khác cao hơn (như đối với mức lương của công việc qua học nghề, đào tạo) thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận.

Tuy nhiên, để không làm giảm quyền lợi cho người lao động đang hưởng mức lương đối với công việc qua đào tạo, học nghề theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Nghị định đã quy định “đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Tại Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng, vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.