Những điểm mới về lương tối thiểu vùng dự kiến áp dụng từ 1/7/2022
Lần đầu tiên sẽ có lương tối thiểu theo giờ; thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng ở nhiều địa phương là những điểm mới về lương tối thiểu dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2022…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có Tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giữ nguyên như dự thảo về mức điều chỉnh lương tối thiểu tháng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức hiện hành, bắt đầu từ 1/7/2022 do đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia (gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phân tích, thương lượng và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ. Cụ thể, vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng, vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Ngoài lương tối thiểu vùng theo tháng, một điểm mới trong dự thảo này là lần đầu tiên đề xuất lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 1 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Về ý kiến cho rằng cần xem xét lại phương pháp xác định lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn để bảo vệ được quyền lợi của nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng theo kinh nghiệm quốc tế thì mức lương tối thiểu giờ có thể quy đổi từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật theo 3 cách.
Cụ thể là quy đổi tương đương; quy đổi cao hơn (có tính thêm hệ số bổ sung) và quy đổi thấp hơn (sử dụng tỷ lệ chuyển đổi theo số ngày dương lịch của tháng, bao gồm cả ngày nghỉ hàng tuần thay vì sử dụng số ngày làm việc bình thường trong tháng).
Trong đó, quy đổi thấp hơn sẽ không bảo vệ được người lao động; quy đổi và tính thêm hệ số bổ sung vào mức lương tối thiểu giờ là nhằm bù đắp một số chế độ mà người lao động làm những công việc tạm thời, không trọn thời gian không được hưởng so với người lao động làm việc toàn thời gian (ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm...) theo quy định của pháp luật.
Tại Việt Nam, pháp luật lao động không quy định phân biệt chế độ giữa người lao động làm việc trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu tháng) và người lao động làm việc không trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu giờ). Do đó, không có căn cứ để tính hệ số bổ sung cộng thêm vào mức lương tối thiểu giờ.
Ngoài đề xuất thêm mức lương tối thiểu theo giờ, dự thảo còn đề xuất thay đổi địa bàn thuộc các vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
Về địa bàn phân vùng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên tắc áp dụng phân vùng cơ bản kế thừa theo danh mục quy định hiện hành, ngoài ra có sự rà soát, cập nhật lại tên một số địa bàn sau khi có sự thay đổi do phải thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, điều chỉnh một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, cụ thể, điều chỉnh từ vùng 2 lên vùng 1 đối với: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.
Điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2 đối với: các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3 đối với: các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Việc điều chỉnh vùng của các địa phương nêu trên nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận, do các địa bàn trên có sự phát triển hơn về thị trường lao động, hình thành các khu, cụm công nghiệp.