09:31 14/01/2023

Lao động Việt sang Hàn Quốc làm việc có thể được lưu trú đến 10 năm

Phúc Minh

Lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc nếu đáp ứng ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp cũng như những yêu cầu nhất định, có thể được kéo dài thời hạn cư trú đến 10 năm mà không phải về nước...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Ủy ban Chính sách Nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố nội dung cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS), trong đó có lao động Việt Nam.

Một trong những nội dung chính của việc cải tiến lần này là thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thông qua áp dụng chế độ làm việc liên tục thâm niên, kéo dài thời hạn cư trú cho người lao động và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động nhằm hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề.

Chế độ làm việc liên tục thâm niên là chế độ chứng nhận cho người lao động E-9 (visa dành cho các lao động phổ thông) nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp, cũng như trình độ tiếng Hàn và người lao động nước ngoài được tuyển chọn từ nước phái cử đáp ứng được trình độ tay nghề nhất định theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, để đưa sang làm việc tại nước này theo Chương trình EPS trở thành nhân lực nước ngoài chuẩn lành nghề.

Từ đó, họ sẽ nhận được các ưu đãi như được kéo dài thời hạn cư trú để làm việc bằng visa E-9 lên tới trên 10 năm mà không phải về nước, hoặc dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi sang visa E-7-4 khi thỏa mãn các điều kiện chuyển đổi.

Các điều kiện của chế độ làm việc liên tục thâm niên đối với người lao động E-9 nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc là cần đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp cũng như trình độ tiếng Hàn.

Trong đó, đối với ngành sản xuất chế tạo, làm việc ở cùng một doanh nghiệp từ 30 tháng trở lên (24 tháng đối với lao động mới làm việc ở công ty đầu tiên). Đối với các ngành khác ngoài sản xuất chế tạo, làm việc ở cùng một doanh nghiệp từ 24 tháng trở lên (18 tháng đối với lao động mới làm việc ở công ty đầu tiên).

Điều kiện về trình độ tiếng Hàn và các điều kiện khác: Trình độ năng lực tiếng Hàn đạt từ điểm chuẩn (được quy định cụ thể sau), chứng chỉ cấp 3 trở lên về đào tạo hội nhập xã hội theo chương trình của Bộ Tư pháp.

Đối với nhân lực chuẩn lành nghề được tuyển chọn từ quốc gia phái cử sang: Xem xét xây dựng cơ chế để cho phép và tiến hành tiếp nhận nhân lực bán lành nghề từ quốc gia phái cử, nếu trình độ tay nghề của người lao động ở nước phái cử đáp ứng được trình độ tay nghề mà doanh nghiệp muốn, thì sẽ làm các thủ tục để người lao động nhập cảnh Hàn Quốc làm việc.

Đồng thời, thông qua huy động hoặc sử dụng các dự án hỗ trợ bằng vốn ODA của Hàn Quốc tăng cường công tác đào tạo nghề ở nước phái cử, từ đó tuyển chọn được nhiều người lao động có tay nghề phù hợp đưa sang làm việc tại Hàn Quốc.

Về quyền lợi, đối với lao động đang làm việc tại Hàn Quốc nếu được chứng nhận là lao động làm việc liên tục thâm niên thì có thể làm việc liên tục tại Hàn Quốc tối đa 10 năm + a thời gian (a là thời gian phía Hàn Quốc sẽ xem xét và công bố sau) mà không cần xuất cảnh về nước làm các thủ tục tái nhập cảnh như hiện nay. Trong thời gian làm việc, đối tượng lao động này có thể chuyển đổi sang lao động lành nghề visa E-7-4 nếu thỏa mãn các điều kiện chuyển đổi.

Người lao động sau khi được chứng nhận là lao động làm việc liên tục thâm niên thì trong khoảng thời gian nhất định sẽ phải làm việc ở doanh nghiệp được chỉ định, mà không được chuyển nơi làm việc. Tuy nhiên, vẫn cho phép chuyển đổi không giới hạn số lần chuyển trong trường hợp lỗi thuộc về chủ sử dụng. Đồng thời, sau khoảng thời gian nhất định nêu trên, người lao động sẽ dễ dàng được chuyển nơi làm việc hơn.

Đối với nhân lực chuẩn lành nghề được tiếp nhận trực tiếp từ nước phái cử, thì thời gian cư trú liên tục tối đa lên tới 10 năm mà không cần phải về nước làm lại các thủ tục tái nhập cảnh, trong thời gian làm việc cũng có thể chuyển đổi sang visa E-7-4 nếu thỏa mãn các điều kiện chuyển đổi.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang xem xét ưu tiên cho việc người lao động được tham gia các khóa đào tạo nghề, như xem xét mở mới các khóa đào tạo nghề chuyên dụng tại Đại học Polytech làm các nguồn để hình thành nên nhân lực chuẩn lành nghề phục vụ nhu cầu lâu dài của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lao động truyền thống và trọng điểm của Việt Nam, bên cạnh Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...Đây cũng là một trong 3 thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc trong năm 2022, với 9.968 lao động (454 lao động nữ), theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.