16:35 20/02/2013

“Lập hiến là quyền trực tiếp của nhân dân”

Nguyễn Lê

Một số góp ý đa chiều tại hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2

Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu tại hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2.<br>
Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu tại hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2.<br>
Trong khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định, thì không ít ý kiến cho rằng nhân dân mới là chủ thể của quyền lập hiến.

Bên cạnh nội dung này, từ lời nói đầu đến điều cuối cùng của dự thảo cũng đã nhận được những góp ý đa chiều tại hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 19/2. VnEconomy xin giới thiệu một số góp ý lược ghi từ hội nghị này.

Hiến định việc trưng cầu dân ý

Ông Nguyễn Khánh, nguyên ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ

“Điểm 4 Điều 124 quy định “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.

Tôi đề nghị sửa lại, Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân để nhân dân biểu quyết về Hiến pháp sau khi dự thảo được Quốc hội thông qua, cần quy định rõ như vậy vì nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Quốc hội hiện nay vừa lập hiến vừa lập pháp, tôi cho rằng phải đổi lại quyền lập hiến là quyền trực tiếp của nhân dân, trưng cầu ý dân về hiến pháp là nguyên tắc hiến định, là biểu hiện cao nhất của chủ quyền nhân dân Việt Nam trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Không nên quy định Quốc hội làm Hiến pháp vì mọi quyền lực thống nhất vào nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến.

Điều 30 của dự thảo quy định, nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, tôi đề nghị sửa lại theo Hiến pháp 1946, nhân dân có quyền biểu quyết về Hiến pháp và các việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Như vậy Hiến pháp khẳng định nhà nước phải tổ chức trưng cầu ý dân để dân biểu quyết về Hiến pháp và các vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia chứ không phải chỉ khi nhà nước trưng cầu ý dân”.

Cần đảm bảo quyền phúc quyết của dân

Ông Phan Hữu Dật, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

“Sửa đổi Hiến pháp là công việc của toàn dân, có tầm quan trọng sống còn với đất nước.

Từ trước đến nay có người nhận thức rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiện nay do nhận thức tư tưởng sâu rộng hơn, xuất phát từ nhận thức về sức mạnh của nhân dân, mọi việc đều lấy dân làm gốc nên có người cho rằng cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta là nhân dân.

Điều này có nghĩa nếu Quốc hội trong việc hoạch định đường lối chủ trương chính sách mà không phù hợp với lòng dân thì phải tổ chức trưng cầu dân ý. Nghĩa là Hiến phápmới cần cần đảm bảo quyền phúc quyết của nhân dân. Thật ra nhận thức này chỉ là sự trở lại với tinh thần và lời văn của hiến pháp nước ta năm 1946, khi khẳng định “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống,  gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Nên sửa lại lời nói đầu

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

“Lời nói đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có một trang thôi mà 3 lần nhắc đến Đảng Cộng sản và Bác Hồ. Trong một hiến pháp của một nhà nước, mặc dầu công lao của Đảng, của Bác hết sức vĩ đại thì theo tôi, cũng không nên đề cập quá nhiều vì chúng ta là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Lời nói đầu có thể gọn hơn nữa, trên cơ sở nghiên cứu Hiến pháp năm 1946.

Điều 2 của dự thảo quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, đây là hiến pháp của cả dân tộc mà viết như vậy thì tôi cảm thấy có sự phân biệt, đề nghị thay bằng “nền tảng là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Hội đồng Hiến pháp phải có thẩm quyền phán quyết

Ông Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

“Hội đồng Hiến pháp, trong dự thảo chỉ nói là do Quốc hội thành lập và có nhiệm vụ kiểm tra và kiến nghị, theo tôi nếu chỉ kiểm tra và kiến nghị thì đây mới là mang tính chất tư vấn, chứ chưa phải là cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nếu chỉ kiểm tra kiến nghị thì Mặt trận làm rồi và cũng thấy hiệu qủa là thế nào rồi, ở Quốc hội có thêm cơ quan tư vấn nữa thì có nên không?

Theo tôi nên gọi là hội đồng bảo hiến và hội đồng này phải có thẩm quyền phán quyết (chứ không phải chỉ kiểm tra kiến nghị) đối với các luật văn bản và quyết định không phù hợp hiến pháp của cơ quan nhà nước, từ nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp thì sẽ nhận diện rõ nội hàm trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp hơn”.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân quá ít

Ông Lê Truyền, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

“Thời gian lấy ý kiến nhân dân, theo kế hoạch nghe 3 tháng tưởng là nhiều nhưng tôi cảm nhận rất là ít, nhất là đoạn giữa là quan trọng nhất lại có tháng Tết, không biết vì sao lại chọn như vậy? Trong khi ý kiến hết sức là phong phú, tôi cảm nhận là với thời gian như thế chắc chắn không thể tiếp thu đúng và tiếp thu đủ được đâu.

Tôi đề nghị  kéo dài thời gian lấy ý kiến ra để phát huy dân chủ và tập hợp được trí tuệ của toàn dân chứ còn kế hoạch trong ba tháng như hiện nay thì không thể tiếp nhận được hết.

Điểm mới của dự thảo là có quy định về Hội đồng Hiến pháp, tôi quan niệm là cơ quan này hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Song ở dự thảo lại quy định khi khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp lại báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền là cái gì, tại sao lại đưa cơ quan thẩm quyền vào hiến pháp này, tôi nghĩ viết thế nào đấy để Hội đồng Hiến pháp hoạt động độc lập, có quyền hẳn hoi chứ không phải chỉ là cơ quan tư vấn”.

Chuyên đề: Sửa Hiến pháp 1992