12:14 23/06/2021

Lập Hội đồng thẩm định liên ngành, phá thế "đường cụt" cao tốc​ Hữu Nghị - Chi Lăng

Ánh Tuyết

Sau hơn 4 năm đình trệ, để sớm thông mạch từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vừa được thành lập...

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị gồm 2 dự án thành phần và đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị gồm 2 dự án thành phần và đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 980/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo phương thức đối tác công tư.

Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Hội đồng; Ủy viên Hội đồng thẩm định liên ngành gồm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn; Lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Công an, Tư pháp, Xây dựng.

Được biết, tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km, bao gồm 2 dự án thành phần, là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn, kết thúc tại huyện Chi Lăng dài 64 km đều với quy mô 4 làn xe, đã cơ bản hoàn thành. 

Tuy nhiên, để thông mạch tuyến cao tốc từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị, vẫn còn một “mạch hở” , hay "cao tốc cụt" khi đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa thể xác định thời điểm khởi công.

Việc kết thúc “chơi vơi” cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km, khiến cung đường còn lại lên 2 đầu mối giao thông quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi mượn tuyến Quốc lộ 1 hai làn xe được cải tạo từ cách đây 20 năm và đã mãn tải từ lâu.

Đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt 4 làn xe cao tốc tại Quyết định số 1833/QĐ-BGTVT ngày 14/06/2016.

 

Việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ vốn từ chối cho vay với quy mô đầu tư ban đầu do lo ngại không thể hoàn được vốn và nguy cơ có thể gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo chủ trương đầu tư ban đầu, tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay vốn thương mại từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Trước đó, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 phương án đầu tư dự án thành phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo đó, đối với phương án 1, dự án sẽ đầu tư xây dựng quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng 22 m, chiều dài 43 km, tổng mức đầu tư 8.790 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư rót 1.750 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 2.160 tỷ đồng, vốn vay thương mại 3.400 tỷ đồng.

Đối với phương án 2, thực hiện giải phóng mặt bằng quy mô 22m, trong đó, đầu tư đoạn Km 1+800 - Km 17+420, nút giao Quốc lộ 4B, quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 13,5m; đoạn Km 17+420 - Km 44+750, quy mô 4 làn hạn chế, nền đường rộng 17,5m. Tổng mức đầu tư 5.947 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư 1.600 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương 1.347 tỷ đồng, vốn vay thương mại 2000 tỷ đồng.

Để có cơ sở lựa chọn phương án tối ưu, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị nghiên cứu bổ sung phương án phân kỳ. Theo đó, giải phóng mặt bằng đầu tư nền, công trình theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh rộng 22 m, phân kỳ đầu tư mặt đường theo quy mô 17,5 m và 13,5 m như đề xuất của tỉnh Lạng Sơn. Phương án này sẽ thuận lợi và tiết kiệm trong việc đầu tư mở rộng giai đoạn theo quy mô hoàn chỉnh, nhất là tại các vị trí đào sâu, đắp cao.

 

Dự án đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng, Lạng Sơn để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Trung và phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đông Bắc.