14:20 04/03/2022

Lấp "lỗ hổng" trong đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe

Anh Tú

Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố sẽ siết chặt hơn việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý sau sát hạch chặt chẽ hơn...

90% tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, vì vậy, cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
90% tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, vì vậy, cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe, đặc biệt các cơ sở đào tạo lái xe môtô thực hiện nghiêm quá trình dạy và học đảm bảo đầy đủ nội dung chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/04/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Đặc biệt, chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu, biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển lái xe an toàn, chủ động xử lý kịp thời các tình huống có khả năng xảy ra tai nạn giao thông, nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe.

Bất cập không chỉ đối với việc cấp giấy phép lái xe mà còn ở việc quản lý sau sát hạch, cấp giấy phép. Mỗi năm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương lại lưu giữ hàng trăm hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước giấy phép lái xe bị tồn đọng mà người vi phạm không đến xử lý.

Nguyên nhân là do mức tiền xử phạt vi phạm giao thông cao, trong khi thủ tục cấp lại giấy phép lái lại khá đơn giản, lệ phí thấp. Vì vậy, dẫn đến tình trạng người vi phạm không đến thực hiện quyết định xử phạt, mà khai báo mất giấy phép lái xe để được cấp lại. Do đó, việc quản lý sau sát hạch, cấp giấy phép cũng cần chặt chẽ hơn.

“Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về cấp, đổi giấy phép lái xe thực hiện nghiêm việc tra cứu thông tin của người lái xe, dữ liệu giấy phép lái xe vi phạm được ngành công an chia sẻ để kịp thời phát hiện các trường hợp giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng, nhưng giả khai báo mất xin cấp lại hoặc phát hiện các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ, giấy phép lái xe giả”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ.

 

Thống kê từ năm 2009 đến tháng 12/2021 cho thấy, cả nước xảy ra hơn 361.600 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người. Đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm đến 90% số vụ.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm. Xử lý các vi phạm theo Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo các chuyên gia về giao thông, trong cải tiến chương trình đào tạo, sát hạch lái xe, cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao khả năng nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường và cần bổ sung hệ thống cấp giấy phép lái xe tạm thời cho người được cấp bằng.

Hiện nhiều quốc gia cấp bằng theo 2 giai đoạn. 

Trong đó, giai đoạn 1 là cấp bằng tạm thời trong vòng 2 năm, sau đó mới cấp bằng chính thức.

Trong giai đoạn này nếu thiếu ý thức, không tham gia giao thông an toàn thì cần giám sát chặt. Nếu vi phạm bị trừ điểm, không đủ điều kiện sẽ không được cấp bằng lái. Quy định này sẽ đảm bảo những người tham gia giao thông là những người an toàn.

Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với 12 Sở Giao thông vận tải trên cả nước, tạo thuận lợi người dân trong lĩnh vực giao thông, đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước theo hướng văn minh, hiện đại, chuẩn số hóa.