02:04 20/03/2011

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử

Diệp Anh

Một trong những ác mộng lớn nhất của nhân loại là thảm họa hạt nhân, không chỉ cướp đi nhân mạng mà còn đe dọa môi sinh

Thế giới đã chứng kiến bao nhiêu thảm họa phóng xạ?
Thế giới đã chứng kiến bao nhiêu thảm họa phóng xạ?
Chính phủ Nhật Bản hôm qua (19/3) cho hay, một lượng nhỏ phóng xạ iot đã lọt vào nước máy ở Tokyo và 5 khu vực khác, nhưng vẫn ở mức an toàn. Trước đó, Nhật Bản cũng công bố, rau và sữa được lấy từ các nông trại gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có mức phóng xạ vượt các giới hạn an toàn.

Hôm 18/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố các vấn đề hạt nhân của nước này sẽ sớm được giải quyết, đồng thời kêu gọi toàn dân bình tĩnh và đoàn kết tái thiết đất nước. Phát biểu trên truyền hình, ông Kan khẳng định, "tình hình hiện nay là thử thách vô cùng to lớn đối với nhân dân Nhật Bản, vì vậy đây là lúc mọi người không nên nản chí, cần đoàn kết và nỗ lực".

Ông cũng thừa nhận các vấn đề tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang "rất nghiêm trọng," và cuộc khủng hoảng an toàn hạt nhân hiện nay không cho phép mọi người lạc quan, song cho rằng Nhật Bản sẽ sớm kiểm soát được tình hình.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, tại bang Illinois của nước Mỹ, người dân đang hoảng sợ kêu gọi các quan chức y tế phải hỗ trợ họ bằng nhiều biện pháp. Họ mong nhận được các viên thuốc muối kali để tránh nguy cơ nhiễm phóng xạ, tuy đã có nhiều cảnh báo rằng khi không có mối đe dọa hạt nhân thực sự thì uống thuốc này vào người còn nguy hiểm hơn là không uống gì.

"Nhìn chung mọi người đều lo ngại quá đáng về phóng xạ," Jerrold Bushberg, Giám đốc chương trình vật lý sức khỏe và giáo sư về ung thư do phóng xạ thuộc trường Đại học California Davis khẳng định. Ông cho biết, ở tận Mỹ mà lo nhiễm phóng xạ do sự cố vừa qua ở Nhật là điều hoàn toàn sai, thậm chí ở Nhật cũng không nên lo lắng quá về điều này.

Trên thực tế, thảm họa hạt nhân đáng sợ như thế nào? Lịch sử nhân loại đã chứng kiến bao nhiêu thảm họa, trong đó không chỉ con người bị giết hại, mà môi trường cũng bị hủy diệt nghiêm trọng? Hãy cùng VnEconomy nhìn lại 11 vụ nổ và rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất trên thế giới theo bình chọn của kênh truyền hình CNBC.

Chernobyl, Ukraine (Năm 1986)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 1

Vào ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine đã phát nổ, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ trước tới nay trên thế giới, hậu quả của nó để lại cho đến tận bây giờ vẫn chưa thực sự có hồi kết. Sau này có nhiều vụ tai nạn hạt nhân và phóng xạ khác đã xảy ra, nhưng không vụ nào có mức ảnh hưởng rộng lớn như thảm họa Chernobyl.

Vụ nổ đã phát ra một lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác nhau, không chỉ rải khắp phía tây Liên Xô cũ, mà còn lan sang cả một phần của Đông Âu, Bắc Âu và Tây Âu.

Con số người chết trong vụ nổ này tới nay vẫn còn là điều bí ẩn. Theo CNBC, số người thiệt mạng ngay tại lò phản ứng lúc xảy ra vụ nổ là 50 người, nhưng con số thực tế bị nhiễm xạ thì rất nhiều. Theo một báo cáo của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, hơn một triệu người có thể đã bị phơi nhiễm phóng xạ.

Tokaimura, Nhật Bản (Năm 1999)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 2

Cho đến trước cơn động đất hôm 11/3/2011, thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản vẫn là vụ việc xảy ra hôm 30/9/1999 tại một nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân JCO - một chi nhánh của tập đoàn Sumitomo Metals and Mining ở Tokaimura, tỉnh Ibaraki.

Vào thời điểm đó, ba kỹ thuật viên đang cố gắng trộn lẫn axit nitric và uranium với nhau để tạo nên dung dịch uranyl nitrate. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên đã sử dụng uranium với hàm lượng vượt quá mức cho phép, khiến phản ứng dây chuyền lập tức được khởi động. Về mặt lý thuyết, sự cố này không thực sự nguy hiểm nếu được can thiệp kịp thời. Nhưng do nhà máy không có hệ thống dập tắt dây chuyền phản ứng, cho nên phản ứng này đã duy trì trong một thời gian khá dài.

Cả 3 kỹ thuật viên đều bị nhiễm phóng xạ quá mức, hai trong đó đã thiệt mạng. Hơn 70 công nhân khác được phát hiện nhiễm phóng xạ ở mức cao. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau khi điều tra đã kết luận rằng, tai nạn xảy ra tại Tokaimura là do "lỗi của con người".

Three Mile Island, bang Pennsylvania, Mỹ (Năm 1979)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 3

Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ việc xảy ra hôm 28/3/1979 tại tổ máy số 2, nhà máy Three Mile Island ở bang Pennsylvania. Hệ thống làm mát tại nhà máy bị hỏng, dẫn tới sự rò rỉ phóng xạ một phần, nhưng việc rò rỉ toàn bộ đã được chặn đứng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lệnh di tản dân chúng khẩn cấp trong phạm vi bán kính 9 km xung quanh nhà máy được ban bố. Việc những người có trách nhiệm phản ứng nhanh chóng với sự cố đã giúp ngăn chặn được chất phóng xạ thoát ra ngoài môi trường, không để ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Tuy nhiên, cho dù kết quả xử lý thành công và vụ việc đã trải qua hơn 30 năm, nhưng thảm họa vẫn như mới xảy ra hôm qua trong tâm trí của những người tham gia giải quyết vụ việc.

Goiania, Brazil (Năm 1987)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 4

Đây là một trong những vụ nhiễm phóng xạ tệ hại nhất trên thế giới, xảy ra ở Goiania, Brazil. Vụ việc bắt nguồn từ sự bất cẩn của một số nhân viên của Viện chẩn trị bằng tia X Goiania. Sau khi viện này chuyển đi năm 1985, người ta đã bỏ lại một thiết bị chữa bệnh vẫn còn chứa chất đồng vị phóng xạ nhân tạo của nguyên tố caesium (Ce 137).

Hôm 13/9/1987, hai người vô gia cư đã tìm thấy thiết bị này. Họ đã dùng một chiếc xe cút kít chở thiết bị này ra ngoài và bán cho một cửa hàng đồng nát. Chủ cửa hàng sau đó đã mời bạn bè và gia đình tới ngắm vật màu xanh rực rỡ bên trong chiếc máy, để rồi sau đó tất cả những người này đã bị nhiễm xạ. Tuy nhiên, sự nhiễm xạ không dừng ở đó mà còn lan ra khắp thành phố. Tổng cộng, 245 người đã bị nhiễm xạ, 4 người bị thiệt mạng.

K-19, Bắc Đại Tây Dương (Năm 1961)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 5

Vào ngày 4/7/1961, chiếc tàu ngầm K-19 của Liên Xô đã bị rò rỉ phóng xạ tại khu vực Bắc Đại Tây Dương. Do không có hệ thống làm lạnh tại chỗ để hạ nhiệt lò phản ứng và ngăn chặn vụ nổ, thủy thủ đoàn đã chấp nhận mở cửa vào trong khu vực lò phản ứng, đối mặt với đám bụi phóng xạ chết người, để lắp hệ thống làm lạnh phụ. Kết quả là các thủy thủ đã bị nhiễm xạ. 8 người đã chết trong vòng 3 tuần sau vụ nổ.

Những người còn lại cũng bị nhiễm phóng xạ và thêm 14 người nữa qua đời trong vòng 2 năm. 117 người còn lại chịu đựng nhiều mức độ bệnh nhiễm xạ khác nhau. Khi về đến đất liền, phóng xạ trong con tàu đã làm nhiễm xạ một khu vực 700m. Kể từ đó, K-19 được mệnh danh là "Hiroshima". Theo đánh giá, lượng hạt nhân trên tàu K-19 có thể gây ra vụ nổ mạnh gấp hàng chục lần vụ nổ lò phản ứng Chernobyl vào năm 1986, gây ra thảm họa sinh thái nặng nề.

Kyshtym, Liên Xô cũ (Năm 1957)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 6

Nhà máy Mayak gần thành phố Kyshtym được đưa vào sử dụng trong khi hệ thống làm mát tại đây không đạt chuẩn. Do vậy, khi hệ thống này bị hư hỏng, nhiệt độ đã tăng mạnh dẫn tới vụ nổ, làm nhiễm xạ tới hơn 800 km xung quanh nhà máy.

10.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực cho thấy có những dấu hiệu về bệnh tật do nhiễm xạ. Theo một nghiên cứu của tổ chức phóng xạ và lý sinh môi trường, ít nhất có 200 người đã thiệt mạng do nhiễm xạ. Thông tin về vụ việc này cuối cùng cũng được tiết lộ cụ thể vào năm 1990.

Windscale, Anh quốc (Năm 1957)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 7

Vào ngày 10/10/1957, Windscale đã trở thành nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh và cũng là tồi tệ nhất trên thế giới cho tới khi xảy ra vụ nổ ở Three Mile Island 22 năm sau đó. Lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Windscale bị cháy, làm rò rỉ một lượng lớn chất phóng xạ ra môi trường xung quanh.

Vụ hỏa hoạn tạo ra một đám mây phóng xạ và bị gió cuốn đi khiến cho một phần của châu Âu chịu ảnh hưởng. Sự cố tại Windscale đã được xếp vào mức 5 trên thang các mức độ nghiêm trọng trong những vụ tai nạn hạt nhân quốc tế (INES). Theo một cuộc nghiên cứu năm 2007, vụ việc đã khiến hơn 200 trường hợp ở khu vực xung quanh nhà máy bị mắc ung thư.

SL-1, Idaho, Mỹ (Năm 1961)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 8

SL-1 là lò phản ứng hạt nhân nằm trên sa mạc cách thành phố Idaho Falls (bang Idaho, Mỹ) hơn 64km. Hôm 3/1/1961, lò phản ứng này đã phát nổ, làm 3 công nhân thiệt mạng và gây rò rỉ phóng xạ. Nguyên nhân dẫn tới vụ nổ được cho là do việc rút thanh điều khiển không đúng, nhưng cuộc điều tra sau đó không cho biết về hành động của những kỹ thuật viên trước khi xảy ra vụ việc.

Những thanh điều khiển làm bằng chất Boron với tính chất có thể "bắt" được các neutron là tác nhân gây ra phản ứng hạt nhân dây truyền (chain reactor). Dùng thanh này người ta có thể kiểm soát được mức độ phản ứng cũng như dừng hoàn toàn phản ứng trong lò.

Mặc dù vụ nổ đã đẩy một lượng phóng xạ vào không khí, nhưng các nhà khoa học khi ấy xác nhận, lượng phóng xạ ở mức thấp, và do lò phản ứng này được đặt ở vị trí hẻo lánh, nên đã giúp giảm thiểu thiệt hại cho cư dân xung quanh. Tuy nhiên, đây vẫn là một vụ đáng chú ý, bởi nó đã dẫn tới những thay đổi về thiết kế các lò phản ứng hạt nhân sau đó.

Vịnh North Star, Greenland, Đan Mạch (Năm 1968)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 9

Căn cứ không quân Thule được xây dựng năm 1953 có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với quân đội Mỹ. Nó cho phép radar tại đây có thể quét khắp bầu trời Bắc Cực và phát hiện mọi quả tên lửa bay đến khu vực này. Từ năm 1960, Mỹ thực thi sứ mệnh quân sự mang mật danh "Chrome Dome", trong đó sử dụng những chiếc "pháo đài bay" B52 trang bị vũ khí hạt nhân liên tục quần đảo xung quanh căn cứ Thule.

Vào ngày 21/1/1968, một trong những chiếc B52 đang thực thi nhiệm vụ bay tuần tra đã gặp sự cố cháy trên khoang và lao xuống mặt biển đóng băng gần Greenland. Chiếc máy bay này khi đó đang mang 4 quả bom nguyên tử. Vụ va chạm đã khiến các quả bom vỡ thành hàng ngàn mảnh nhỏ và rơi xuống mặt băng, làm một khu vực rộng lớn bị nhiễm phóng xạ.

Ngay sau khi máy bay rơi, các nhân viên quân sự Mỹ, dân đảo Greenland và công nhân người Đan Mạch đã lao đến hiện trường để tìm cách giúp đỡ. Sau đó Mỹ mở một chiến dịch quy mô lớn suốt nhiều tháng để thu hồi hàng nghìn mảnh vỡ nhỏ của máy bay nằm rải rác trên mặt vịnh đóng băng, đặc biệt là thu hàng trăm triệu mét khối băng gồm một số chứa mảnh vỡ có chất phóng xạ.

Lầu Năm Góc khẳng định toàn bộ 4 quả bom nguyên tử trên máy bay đã bị phá vỡ thành từng mảnh khi đâm xuống mặt băng. Nhưng các tài liệu giải mật lại không cho thấy điều này. Cụ thể, trong vòng vài tuần sau tai nạn, các nhà điều tra đã lắp ghép các mảnh vỡ với nhau và nhận ra chỉ có 3 quả bom được xác định, còn thiếu một quả. Việc tìm kiếm quả bom thất lạc sau đó đã được tiến hành nhưng mang lại kết quả.

Jaslovské Bohunice, Tiệp Khắc (Năm 1977)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 10

Bohunice là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng tại Tiệp Khắc. Lò phản ứng này được xây dựng trên cơ sở thiết kế dày kinh nghiệm. Tuy nhiên, vô số tai nạn đã xảy ra ở đây, khiến nhà máy này phải ngừng hoạt động hơn 30 lần.

Trong một tai nạn năm 1976, hai công nhân đã thiệt mạng, nhưng thảm họa tồi tệ nhất là vụ việc xảy ra hôm 22/2/1977, khi một công nhân di chuyển thanh điều khiển không đúng cách. Sai sót đơn giản này đã dẫn tới sự rò rỉ một lượng lớn phóng xạ và thảm họa sau đó đã được cảnh báo ở cấp độ 4 trong thang INES.

Yucca Flat, Nevada, Mỹ (Năm 1970)

Lật lại hồ sơ các “thảm án” hạt nhân trong lịch sử - Ảnh 11

Nằm cách thành phố Las Vegas chừng một giờ đồng hồ, sa mạc lòng chảo Yucca Flat là một trong những bãi thử hạt nhân ở Nevada. 739 vụ thử nghiệm đã được thực hiện từ năm 1951 đến 1992, biến nơi đây thành vùng đất chết với nhiều hố sụt như những vết sẹo khổng lồ.

Vào ngày 18/12/1970, trong lúc làm nổ một quả bom hạt nhân 10 kiloton được chôn dưới mặt đất sâu 274m, một vết rạn trên bề mặt đã khiến một lượng phóng xạ bị đẩy vào không khí, khiến 86 công nhân đang làm việc tại chỗ bị nhiễm xạ. Bụi phóng xạ sau đó đã lan ra nhiều khu vực. Theo các báo cáo, hai công nhân tại nơi thử đã bị chết vì bệnh bạch cầu năm 1974.