14:12 11/02/2025

Lấy ngân hàng làm động lực cho tăng trưởng trong kỷ nguyên vươn mình

Tùng Thư

Với phương châm "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp", Thủ tướng đề nghị lấy ngân hàng làm lực đẩy để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực phát triển đất nước...

Toàn cảnh hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại sáng 11/2 (Ảnh: TTXVN).
Toàn cảnh hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại sáng 11/2 (Ảnh: TTXVN).

Sáng 11/2, tại TP. Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước tới các đại biểu. Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024 đã qua trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. 

 

"Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá, biểu dương đóng góp của ngành ngân hàng đối với quá trình phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo để đạt 2 mục tiêu 100 năm ngày thành lập Đảng và 80 năm ngày thành lập nước.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có những diễn biến nhanh và có nhiều chính sách tác động đến Việt Nam, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các ngân hàng nhằm phân tích, đánh giá tình hình, đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các giải pháp với sự tham gia của hệ thống ngân hàng để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các giải pháp với sự tham gia của hệ thống ngân hàng để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích kỹ những khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ; đề xuất, hiến kế các giải pháp với sự tham gia của hệ thống ngân hàng để làm mới động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn nhận đượ góp ý về công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về thể chế; Chính phủ và các bộ, ngành phải làm gì "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm" để đưa đất nước phát triển vượt bậc.

Với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp", Thủ tướng đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực phát triển kinh tế.

Đề cập về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Phó Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng đơn vị. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở thực tế mà không cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2024 lãi suất cho vay bình quân giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỷ đồng).

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

Là ngân hàng đầu tiên phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank, cho biết bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt mức 8% trở lên trong năm 2025, Agribank tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới các khách hàng với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng 13%).

“Ngoài nhiệm vụ chính của Agribank là nông nghiệp, nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ), Agribank cũng tham gia cùng các ngân hàng lớn khác đầu tư vào các dự án trọng điểm về sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt; các dự án năng lượng tái tạo...”, ông Phạm Toàn Vượng nói.

Ông Phạm Toàn Vượng, thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank, phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Toàn Vượng, thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank, phát biểu tại hội nghị.

Theo lãnh đạo Agribank, ngay từ đầu năm, ngân hàng đã triển khai sớm 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350.000 tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 2% so với lãi suất thông thường để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Với định hướng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có. 

Tại hội nghị, đại diện một số ngân hàng thương mại nhà nước cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế thuận lợi để các ngân hàng bổ sung vốn điều lệ, bảo đảm hệ số an toàn vốn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.