11:37 18/01/2021

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden năm nay sẽ diễn ra đặc biệt thế nào?

Hoài Thu

Sau vụ bạo loạn chưa từng có tại tòa nhà Quốc hội Mỹ và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ diễn ra theo cách chưa từng có

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày 20/1 tới - Ảnh: DW
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày 20/1 tới - Ảnh: DW

Cứ mỗi 4 năm, sự kiện lễ nhậm chức tổng thống nhận được sự quan tâm lớn của người Mỹ, thu hút đông đảo người tham gia với hàng nghìn người sánh vai bên nhau, chúc mừng nhà lãnh đạo sẽ điều hành đất nước trong 4 năm tiếp theo. Đây thường là sự kiện tưng bừng đánh dấu sự chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden và phó tổng thống đắc cử Kamala Harris diễn ra vào ngày 20/1 năm nay sẽ không giống bất kỳ lễ nhậm chức nào trong lịch sử Mỹ, bởi nó diễn ra trong bối cảnh chính trị đặc biệt cũng như đại dịch toàn cầu chưa từng có trong lịch sử. 

AN NINH THẮT CHẶT ĐẶC BIỆT VÀ LOẠT BIỆN PHÁP PHÒNG DỊCH 

An ninh tại thủ đô Washington đang được thắt chặt với quy mô chưa từng thấy để chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công và biểu tình có thể xảy ra. Đặc biệt là sau vụ bạo loạn khiến 5 người chết tại tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol) đầu tháng này. 

Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã kêu gọi người dân ở nhà và không di chuyển tới Washington trong thời gian diễn ra lễ nhậm chức nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo lực và dịch bệnh lây lan.

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden năm nay sẽ diễn ra đặc biệt thế nào? - Ảnh 1
Lễ nhậm chức của ông Joe Biden năm nay sẽ diễn ra đặc biệt thế nào? - Ảnh 2

An ninh được thắt chặt chưa từng thấy chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1 - Ảnh: EPA

Lực lượng Vệ binh Quốc gia hôm tuần trước cho biết sẽ điều 21.000 lính tới Washington để đảm bảo an ninh trong lễ nhậm chức. Đây là lượng Vệ binh Quốc gia lớn nhất từng được triển khai tại Thủ đô Washington. Hàng nghìn lính Vệ binh Quốc gia sẽ được bố trí bảo vệ quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ. Công viên quốc gia National Mall, giáp tòa nhà Quốc hội về phía đông và Nhà Trắng về phía bắc, cũng sẽ tạm thời bị đóng cửa từ ngày 15-21/1. 

"Rõ ràng chúng ta đang ở tình thế đối mặt với rất nhiều rủi ro", Bowser cho biết trong cuộc họp báo tuần trước. 

"Chúng tôi đang thấy sự hiện diện của quân đội ở Washington nhiều hơn cả ở Afghanistan và họ ở đây để bảo vệ chúng ta khỏi chính tổng thống của mình và những người ủng hộ ông ta", Seth Moulton, một nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts, nhận xét với tờ Guardian.

Một cựu thủy quân lục chiến cũng dùng từ "sốc" khi nhận xét những hình ảnh từ Tòa nhà Quốc hội tuần này. Tại các ngã ba quanh nhà thờ Metropolitan AME, Vệ binh Quốc gia xuất hiện dày đặc với súng trường tấn công và áo giáp chống đạn.

"Tôi nghĩ điều này chỉ có ở Baghdad (thủ đô Iraq), chứ chưa bao giờ tưởng tượng có thể thấy ở Washington", cựu lính thủy quân trên chia sẻ.

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden năm nay có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Những hình ảnh đông đúc như thế này sẽ không diễn ra trong lễ nhậm chức tổng thống của ông Biden năm nay do an ninh được thắt chặt và tình hình đại dịch Covid-19 - Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhà chức tránh tập trung đông người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các sự kiện thường được tổ chức như diễu hành tại Đại lộ Pennsylvania và vũ hội sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Ủy ban Nhậm chức của ông Biden cũng đã thông báo rằng họ sẽ phát trực tuyến lễ tuyên thệ nhậm chức và các sự kiện khác trên trang web cũng như các nền tảng YouTube và Twitch, bên cạnh các kênh truyền hình truyềm thống. 

KHÔNG CÓ TỔNG THỐNG MÃN NHIỆM VÀ BÀ HARRIS LÀM NÊN LỊCH SỬ

Tuần trước, tại một trong những đăng tải cuối cùng trên Twitter trước khi bị khóa tài khoản, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Với động thái này, ông Trump trở thành tổng thống mãn nhiệm đầu tiên kể từ thời Andrew Johnson vào năm 1869 không dự lễ tuyên thệ của người kế nhiệm. 

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden năm nay có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Barrack Obama tham dự lễ nhậm chức của ông Trump năm 2017 - Ảnh: DW

Theo thường lệ, các tổng thống tiền nhiệm sẽ có mặt để chúc mừng tổng thống nhậm chức, sau đó cùng nhau di chuyển về tòa nhà Quốc hội để dự lễ nhậm chức, biểu trưng cho sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Trong lịch sử, chỉ có 3 tổng thống không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm là John Adams, John Quincy Adams và Andrew Johnson.

Ông Trump dự định sẽ rời thủ đô Washington vào buổi sáng diễn ra lễ nhậm chức, bay từ căn cứ quân sự Andrews về Mar-a-Lago, nơi ở của ông tại bang Florida.

Phản ứng trước thông tin này, ông Biden gọi quyết định của ông Trump là "một trong số ít điều mà chúng tôi đồng tình với nhau". "Việc ông ấy không xuất hiện là một tin tốt", ông Biden nói. 

Tuy nhiên, ông Biden cho biết "rất vinh dự" khi Phó Tổng thống mãn nhiệm Mike Pence sẽ tham dự lễ nhậm chức của mình. Trước đó, ông Pence tuyên bố không kích hoạt Điều 25 sửa đổi trong Hiến pháp để phế truất ông Donald Trump.

Ngày 20/1 tới, người kế nhiệm của ông Pence, bà Kamala Haris sẽ làm nên lịch sử khi là phụ nữ da màu đầu tiên tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ. Bà cũng là phụ nữ gốc Á đầu tiên đảm nhiệm vị trí này. 

Theo CNN, bà Harris - thượng nghị sĩ bang California - trở thành đại diện quyền lực mới trên chính trường Mỹ và cũng đại diện cho hàng triệu phụ nữ Mỹ tại Nhà Trắng. Trong cuộc bầu cử năm 2020, bà Harris được ông Joe Biden lựa chọn làm ứng viên phó tổng thống Mỹ của mình, vượt qua 11 ứng viên khác. Thượng nghị sĩ 55 tuổi là người người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử Mỹ được chọn để tranh cử chức phó tổng thống Mỹ, sau thống đốc bang Alaska Sarah Palin (năm 2008) và dân biểu bang New York Geraldine Ferraro (năm 1984).

Con đường đến Nhà Trắng của bà Harris trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với người dân Mỹ, đúng như bà từng khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách phó tổng thống đắc cử: "Tôi có thể là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này, nhưng sẽ không phải là người cuối cùng", bà Harris phát biểu đầu tiên trên cương vị phó tổng thống đắc cử hôm 7/1.