15:06 29/04/2011

Lệnh thị trường giúp tăng thanh khoản cho chứng khoán?

Nguyễn Hoàng

Dềnh dang từ tháng 7/2007 đến nay, HSX mới lật lại vấn đề cho phép sử dụng lệnh thị trường (MP), dự kiến từ tháng 6 năm nay

Ví dụ về sổ lệnh của cổ phiếu XYZ.
Ví dụ về sổ lệnh của cổ phiếu XYZ.
Dềnh dang từ tháng 7/2007 đến nay, HSX mới lật lại vấn đề cho phép sử dụng lệnh thị trường (MP), dự kiến từ tháng 6 năm nay.

Ngày 29/4, HSX phát đi thông báo cho biết dự kiến áp dụng lệnh MP trong tháng 6/2011 sau khi mọi công việc chuẩn bị hoàn tất và được cơ quan quản lý đồng ý cho phép triển khai chính thức.

Từ cuối tháng 7/2007, HSX tăng thêm đợt khớp lệnh liên tục, triển khai lệnh ATO và ATC bên cạnh lệnh giới hạn (LO). Tuy nhiên lệnh MP bị dừng lại nhằm giúp nhà đầu tư “làm quen” với hai loại lệnh mới trước khi triển khai. Có lẽ quyết định này cũng có phần hợp lý khi sau 3 lần tập dượt, các công ty chứng khoán mới chạy “thông” được đợt khớp lệnh liên tục.

Lệnh MP chỉ được áp dụng trong đợt khớp lệnh liên tục với mục đích tăng thanh khoản. Tuy nhiên, tính thanh khoản không hẳn phụ thuộc vào tính chất của lệnh khớp mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Ưu điểm lớn nhất của lệnh MP là tranh mua hoặc tranh bán một cách hiệu quả tương tự như lệnh ATO và ATC hiện nay.

Khi người mua sử dụng lệnh MP, tức là họ muốn mua bằng được, bất chấp giá. Lệnh MP chỉ được thực hiện nếu có khối lượng đối ứng. Như vậy trong tình trạng thị trường mất thanh khoản - chẳng hạn không có dư bán - thì không đặt được lệnh mua MP và ngược lại.

Một lệnh mua MP được tung ra, sẽ khớp lần lượt từ khối lượng dư bán giá thấp nhất hiện đang có sẵn (lệnh LO) và nâng mức giá lên cho đến lúc nào thỏa mãn khối lượng mua. Nếu khớp hết lượng bán có sẵn mà vẫn chưa đủ, khối lượng dư mua của lệnh MP sẽ được chuyển thành lệnh mua giới hạn tại mức giá cao hơn giá khớp cuối cùng một bước giá. Nếu lệnh mua MP “quét” lên kịch trần mà vẫn không mua đủ, thì khối lượng còn lại được biến thành lệnh mua giới hạn ở giá trần. Chiều ngược lại của lệnh bán MP cũng hoạt động tương tự.

Chẳng hạn với tương quan dư mua và dư bán với cổ phiếu XYZ (xem hình trên). Người mua đặt một lệnh mua MP với khối lượng 8.000 cổ phiếu. Do dư bán tốt nhất hiện chỉ có 6.000 cổ phiếu giá 14.100 đồng nên lệnh MP chỉ khớp mua được 6.000 cổ phiếu giá này. 2.000 cổ phiếu chưa khớp được sẽ được khớp tiếp vào giá 14.200 đồng/cổ phiếu.

Nếu lệnh mua MP có khối lượng 19.000 cổ phiếu được đưa vào, toàn bộ 12.100 cổ phiếu đang dư bán trên sổ lệnh sẽ được khớp hết và lệnh mua vẫn còn dư 6.900 cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ biến thành lệnh mua giới hạn tại giá 14.700 đồng – trong hợp giá 14.700 đồng là giá trần, hoặc thành lệnh mua 6.900 cổ phiếu tại giá 14.800 đồng nếu mức trần cao hơn.

Như vậy một lệnh MP sẽ có thể báo về nhiều kết quả khớp với nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào khối lượng đặt và khối lượng cổ phiếu đối ứng hiện có. Với HSX, do có giới hạn độ lớn tối đa 19.990 đơn vị /lệnh nên lệnh MP có thể không tạo ra biến động bất ngờ. Tuy nhiên nếu áp dụng tại HNX, lệnh MP có thể  tạo ra những đột biến cực nhanh trong giao dịch do khối lượng đặt không bị hạn chế.

Về lý thuyết, lệnh MP tạo điều kiện tốt hơn cho người mua và người bán về tốc độ khớp cũng như thỏa mãn tốt nhất nhu cầu giao dịch với khối lượng tối đa mà phía đối ứng hiện có. Do đó tính thanh khoản sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, điểm mạnh thực sự của lệnh MP là giúp tranh mua, tranh bán một cách thần tốc, bất chấp giá nên tốc độ giao dịch chắc chắn sẽ rất cao ở những thời điểm thị trường sôi động.

Ngược lại, ở những thời điểm thị trường làng nhàng như hiện tại, người mua lẫn người bán căn ke giá từng bước thì lệnh MP khối lượng nhỏ cũng không khác mấy lệnh LO đặt giá mua cao hơn mức dư bán hoặc đặt giá bán thấp hơn mức dư mua hiện có.

Về rủi ro, một khi đã lựa chọn sử dụng lệnh MP, người mua hoặc bán cần xác định là bất chấp giá. Do đó nhiều khả năng sẽ phải khớp ở các mức giá cao hơn bình thường. Khi dư bán khối lượng thấp ở các bước giá cách xa nhau (bước giá không liên tục) – chẳng hạn có duy nhất hai dư bán ở giá tham chiếu và giá trần – lệnh MP có khối lượng mua lớn hơn dư bán giá tham chiếu sẽ được khớp nốt tại giá trần. Trường hợp ngược lại cũng tương tự.

Việc triển khai lệnh MP thời điểm hiện tại được cho là hợp lý vì bối cảnh thị trung đang khá yếu, thanh khoản thấp. Nhà đầu tư có thể làm quen với loại lệnh mới. Điều này cũng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam gần hơn với tập quán quốc tế.