Lo bị "sờ gáy", Big Tech Mỹ chi mạnh để vận động hành lang ở châu Âu
Dẫn đầu trong danh sách công ty chi nhiều tiền nhất để vận động hành lang ở châu Âu là Google, theo sau là Facebook, Microsoft, Apple, Huawei, Amazon...
Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Microsoft là ba công ty chi tiêu nhiều tiền nhất để vận động hành lang tại Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc chiến chống lại những bộ luật mới nhằm vào các hãng công nghệ khổng lồ (Big Tech) của Mỹ, hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết.
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi hai tổ chức theo dõi hoạt động hành lang ở châu Âu Corporate Europe Observatory và LobbyControl.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nỗ lực vận động hàng lang của các hãng công nghệ Mỹ nên là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới lập pháp EU để cũng cố hơn nữa các dự thảo luận cũng như những quy định về vận động hành lang.
Lĩnh vực công nghệ thậm chí vượt qua lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, hóa chất - những ngành từng thống trị về mức chi tiêu cho việc vận động hành lang ở EU.
"Mức chi cho vận động hành lang của các đại gia công nghệ cũng như ngành công nghệ nói chung cho thấy vai trò ngày càng lớn của họ trong xã hội”, nghiên cứu chỉ ra. “Điều này rất đáng lưu tâm và gây lo ngại rằng các nền tảng công nghệ có thể sử dụng sức mạnh này để đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe - thay vì tiếng nói từ bên phản biện - trong việc xây dựng những quy định mới nhằm điều chỉnh giới công nghệ”.
Theo nghiên cứu này, 612 công ty, tổ chức và hiệp hội chi hơn 97 triệu Euro (tương đương hơn 114 triệu USD) một năm để vận động hành lang trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế số ở châu Âu. Con số này được đưa ra dựa trên dữ liệu do các công ty nộp lên cơ quan Đăng ký Minh bạch do Ủy ban Liên minh Châu Âu vận hành trong 12 tháng tính tới giữa tháng 6/2021.
Trong đó, Google dẫn đầu với mức chi 5,75 triệu Euro, theo sau là Facebook và Microsoft với lần lượt 5,5 triệu USD và 5,25 triệu USD. Apple đứng vị trí thứ 4 với 3,5 triệu USD, tiếp đến là hãng công nghệ Trung Quốc Huawei với 3 triệu Euro. Còn hãng thương mại điện tử Amazon chi 2,75 triệu USD để vận động hành lang, đứng vị trí thứ 6.
Theo nghiên cứu trên, hoạt động vận động hành lang của các hãng công nghệ tập trung vào 2 dự thảo luật chính: Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA).
DMA nhắm đến các hãng công nghệ có doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ Euro tại châu Âu trong 3 năm gần nhất, có giá trị thị trường trên 65 tỷ USD và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất 3 quốc gia EU, cùng một số tiêu chí khác.
Dự thảo luật này đưa ra một loạt yêu cầu với các đại gia công nghệ, bao gồm chia sẻ một số dữ liệu nhất định với đối thủ và cơ quan quản lý, báo cáo các thương vụ sáp nhập... Các công ty này cũng bị hạn chế một số điều như không ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình. Các nhà làm luật cũng kêu gọi áp mức phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hoặc thậm chí phải chia tách hoạt động kinh doanh nếu các công ty này không tuân thủ.
Trong khi đó, DSA nhắm đến các nền tảng trực tuyến có trên 45 triệu người dùng. Theo dự thảo luật này, các nền tảng phải tìm cách xử lý những nội dung bất hợp pháp, kiểm soát hành vi thao túng trên nền tảng gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, lan truyền tin giả... Các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm.
Nghiên cứu của Corporate Europe Observatory và LobbyControl cảnh báo về việc giới công nghệ tiếp cận sâu trong quá trình xây dựng DMA và DSA khi các bên vận động hành lang tham gia vào 3/4 trong số 270 cuộc họp của quan chức Ủy ban châu Âu về hai dự thảo luận này.
Nghiên cứu cũng cảnh báo về vai trò của các hiệp hội kinh doanh, hiệp hội thương mại, viện nghiên cứu hay thậm chí các đảng phái chính trị trong việc thúc đẩy lập trường của ngành công nghệ trong quá trình xây dựng luật.