08:27 01/10/2014

Lo biểu tình ở Hồng Kông vượt tầm kiểm soát

An Huy

Nhiều lãnh đạo đối lập tại Hồng Kông kêu gọi người biểu tình giữ bình tĩnh

Thời tiết ở Hồng Kông hôm qua nóng nực vào ban ngày, có sớm chớp và mưa vào buổi tối, nhưng người biểu tình không hề nao núng - Ảnh: Bloomberg.<br>
Thời tiết ở Hồng Kông hôm qua nóng nực vào ban ngày, có sớm chớp và mưa vào buổi tối, nhưng người biểu tình không hề nao núng - Ảnh: Bloomberg.<br>
Cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông tiếp tục lan rộng sáng 1/10 - ngày Quốc khánh của Trung Quốc, thời điểm hàng năm Hồng Kông đón một lượng du khách khổng lồ từ đại lục.

Sáng 1/10, lãnh đạo sinh viên biểu tình kêu gọi đám đông trên đường phố duy trì các khu vực biểu tình đã được thiết lập, thay vì mở rộng khu vực. Đây được xem là một nỗ lực nhằm không để biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trước đó, trong ngày hôm qua, các nhà tổ chức biểu tình kêu gọi Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Leung Chung-ying từ chức, và nói rằng nếu yêu cầu này không được đáp ứng trước nửa đêm. Thời hạn trên đã trôi qua mà ông Leung không có phản ứng nào, khiến người biểu tình hò hét tại khu vực biểu tình chính bên ngoài tòa nhà chính quyền Hồng Kông ở quận Admiralty. 

Không lâu sau đó, đám đông lại đổ ra các tuyến phố xung quanh quảng trưởng Bauhinia, nơi được đóng đường cấm để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 65 năm quốc khánh Trung Quốc. Theo dự kiến, sáng nay sẽ có một lễ thượng cờ Trung Quốc diễn ra ở đây.

Bất chấp thời tiết mưa, những đám đông biểu tình mới tập trung gần cảng Victoria, gần khu vực mua sắm cao cấp trên đường Canton thuộc quận Tsim Sha Tsui. Hàng tiếp tế là nước đóng chai và đồ ăn nhanh chóng được vận chuyển tới khu vực để đảm bảo người biểu tình có thể duy trì vị trí.

Hôm qua, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, ông Leung, đã chỉ trích người biểu tình, cho rằng cuộc biểu tình đang gây nguy hại cho nền kinh tế và uy tín của Hồng Kông. 

Ông Leung nói, biểu tình sẽ không thể thay đổi quyết định của Bắc Kinh về lựa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử tìm ra nhà lãnh đạo cao nhất của vùng lãnh thổ vào năm 2017. Quyết định này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc biểu tình lớn hiện nay ở Hồng Kông.

Biểu tình ở quận Admiralty chưa có dấu hiệu lắng dịu, nhưng nhiều người có mặt ở đó đã bày tỏ lo ngại biểu tình có thể dẫn tới đối đầu. Richie Yue, một sinh viên Đại học Hồng Kông, cho biết, sáng sớm 1/10 đã tới quảng trường Bauhinia để đề nghị người biểu tình rút lui. Yue lo ngại, sự có mặt của người biểu tình tại quảng trường này sẽ đi quá xa khỏi mục tiêu của phong trào Occupy Central là biểu tình hòa bình.

“Những gì đang diễn ra khác với mục tiêu của Occupy Central. Mục tiêu của phong trào này chỉ là phong tỏa những con đường lớn, nhưng người biểu tình đang muốn ngăn không cho buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh diễn ra”, Yue nói.

Cheung Yu-yeung, một sinh viên khác, cảm thấy cuộc biểu tình đang vượt khỏi tầm kiểm soát và mở rộng quá nhanh chóng, với quá nhiều lịch trình. 

“Chúng tôi không chống lại cảnh sát hay Chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi chỉ muốn một cuộc bầu cử mở để bầu trưởng đặc khu”, Cheung phát biểu.

Vào lúc khoảng 2h sáng 1/10, Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông kêu gọi trên mạng xã hội Twitter: “Chúng tôi đề nghị người biểu tình giữ vững các khu vực đã chiếm, thay vì mở rộng phong trào”. 

Trong một lời kêu gọi khác trên Twitter vào cùng thời điểm trên, nhóm sinh viên Scholarism khuyên người biểu tình không nên tới quảng trưởng Bauhinia.

Đã xuất hiện những ý kiến bày tỏ lo ngại về việc nhà chức trách Hồng Kông có thể sử dụng những biện pháp mạnh để giải tán biểu tình, bởi Quốc khánh Trung Quốc là dịp có một lượng lớn du khách đại lục sang Hồng Kông để vui chơi, mua sắm.

Đến thời điểm này, đã có những dấu hiệu cho thấy biểu tình ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Hồng Kông. 

Hãng mỹ phẩm Pháp L’Oreal cấm nhân viên di chuyển tới Hồng Kông vì lý do công việc trong tuần này. Đây là công ty quốc tế lớn đầu tiên công khai thừa nhận lo ngại về bất ổn ở Hồng Kông.

Thời tiết ở Hồng Kông hôm qua nóng nực vào ban ngày, có sớm chớp và mưa vào buổi tối, nhưng người biểu tình không hề nao núng. Những chiếc ô vẫn được họ sử dụng như một công cụ biểu tình hiệu quả. 

“Cơ hội rất mong manh, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu vì những gì mình muốn”, bà Tam Kam Yuk, 67 tuổi, một người biểu tình nói.

Theo ông Chan Kin-man, nhà đồng sáng lập phong trào biểu tình Occupy Central, chỉ khi Trưởng đặc khu hành chính Leung từ chức, thì Hồng Kông mới có thể có được một chính quyền mới để bắt đầu cải cách hiến pháp. 

Ông Chan đang sát cánh bên Alex Chow, 17 tuổi, lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông, người đã đe dọa sẽ mở rộng quy mô biểu tình tới các tòa nhà chính quyền trừ phi ông Leung ddasps ứng yêu cầu cảu người biểu tình.

Sáng sớm nay, Cheung Yiuwa, Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông, cho biết, vẫn chưa có liên lạc nào giữa nhóm biểu tình do sinh viên dẫn đầu và chính quyền Hồng Kông. “Chúng tôi vẫn đang đợi chính quyền trả lời”, Cheung, 22 tuổi, nói.

Một số người biểu tình đã lo ngại về hậu quả có thể xảy đến của tối hậu thư. “Nếu biểu tình lan rộng, sự ủng hộ có thể giảm xuống, bởi vì có một số người muốn ủng hộ phong trào, nhưng vẫn muốn đi làm và đảm bảo cuộc sống hàng ngày”, K.Y. Chan, một nhân viên văn phòng 32 tuổi sống cùng gia đình 5 người, nói.

Hôm qua, thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm 1,3%, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi. Nhiều ngân hàng lớn như Standard Chartered, HSBS, và Bank of China Hồng Kông cho biết, hoạt động của họ bị biểu tình ảnh hưởng. Một số chi nhánh ngân hàng đã được mở cửa trở lại, nhưng cơ quan tiền tệ của Hồng Kông nói, 12 ngân hàng khác vẫn duy trì đóng cửa một số chi nhánh và văn phòng.