Lộ trình giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, trước mắt giảm ngay xuống 75 tuổi
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm ngay độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; đồng thời giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có phản hồi liên quan đến việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó, giải trình ý kiến của Văn phòng Chính phủ về việc thống nhất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống có thể thấp hơn nữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra định hướng về việc: “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách”.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Văn phòng Chính phủ về quan điểm cần phải điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước, trước mắt Bộ đề xuất tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giảm ngay độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; đồng thời giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Thời gian tới, khi điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước cho phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đề xuất việc tiếp tục giảm độ tuổi, nhằm vừa mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đồng thời vẫn khuyến khích được người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các nghiên cứu của các Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB) và đánh giá thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các chính sách, vẫn tạo điều kiện khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chỉ nên giảm thấp nhất là 70 tuổi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ 65 tuổi thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Số tiền trợ cấp hằng tháng hưởng sớm 10 năm từ Quỹ bảo hiểm xã hội do người lao động đã có 5 năm đóng góp, đồng thời người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Liên quan đến ý kiến của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá, tổng kết thực tiễn thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ đã tổng hợp các nội dung đề xuất thuộc 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính gồm: Bảo hiểm hưu trí bổ sung; cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; đầu tư quỹ.
Đây là những vấn đề được Bộ Tài chính tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Về ý kiến nêu trên của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, đây là nội dung Bộ Tư pháp đã đặt ra tại Báo cáo thẩm định; Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng yêu cầu.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị có ý kiến về vấn đề này và chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết đối với các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn đối với 3 nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính nêu trên gửi Bộ trình Chính phủ trình Quốc hội đảm bảo đúng tiến độ.