11:21 22/05/2023

Chỉ có 55,2 % người hưu trí được nhận mức lương hưu tối đa

Nhật Dương

Trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu, nhưng chỉ khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng 75%, chiếm 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí. Phần lớn có mức hưởng từ 3 đến dưới 7 triệu đồng/tháng, theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người lao động được hưởng lương hưu cao hơn khi họ đóng bảo hiểm xã hội với mức cao và tích lũy thời gian đóng dài. Lương hưu luôn được Nhà nước điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người nghỉ hưu.

 NGƯỜI NHẬN MỨC LƯƠNG HƯU CAO NHẤT LÀ HƠN 120 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109 nghìn người). Trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.

Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp được hưởng mức lương hưu cao, do trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội có mức tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao. Theo quy định, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở từng thời kỳ.

Theo thống kê, hiện người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận với mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ càng cao. Lương hưu được coi là nguồn thu nhập ổn định nhất giúp người lao động yên tâm dưỡng già, đảm bảo tốt hơn cuộc sống độc lập mà không phải phụ thuộc vào con cháu.

Ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.

Thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh nan y, hiểm nghèo…

Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ Quỹ bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của người nghỉ hưu. Không những thế trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.

LƯƠNG HƯU LUÔN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu.

Từ năm 2016 đến năm 2022, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022) trên mức lương hưu hiện hưởng.

Việc Chính phủ thường xuyên ban hành quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu đã và đang góp phần quan trọng nhằm ổn định cuộc sống cho người nghỉ hưu, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ví dụ trường hợp của bà Nguyễn Thị A là giáo viên, có 33 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưởng lương hưu từ tháng 8/2014 với mức hưởng là 4,932 triệu đồng. Qua 5 lần điều chỉnh lương hưu từ năm 2016 đến nay, mức lương hưu của bà A được hưởng từ tháng 1/2022 đến nay là 7,044 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Trước thực trạng này, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội; bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra, cũng chính nhằm đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm và kịp thời ban hành các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương hưu. “Người lao động hoàn toàn yên tâm tham gia, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí – “điểm tựa” an sinh vững chắc khi về già”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị.