Loạt số liệu khả quan thổi bùng nỗi lo lạm phát, chứng khoán toàn cầu tụt điểm
Sự giảm điểm diễn ra khi số liệu kinh tế khả quan từ Mỹ khiến nhà đầu tư lo ngại về sự leo thang của lạm phát...
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (3/6), tiếp tục trượt khỏi mức cao kỷ lục thiết lập trong tuần này. Sự giảm điểm diễn ra khi số liệu kinh tế khả quan từ Mỹ khiến nhà đầu tư lo ngại về sự leo thang của lạm phát.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã lình xình trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch trước khi chốt phiên trong sắc đỏ. Báo cáo việc làm khả quan tiếp tục khẳng định triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Mỹ. Nhà đầu tư cũng hào hứng khi có thông tin nói Tổng thống Joe Biden đưa ra đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15% nhằm thuyết phục phe Cộng hoà. Tuy nhiên, khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ đã phủ bóng lên thị trường.
Các nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhiều khi kinh tế mở cửa đã có một phiên tăng mạnh, nhưng không bù lại được mức giảm của cổ phiếu công nghệ - nhóm chịu sức ép giảm từ lãi suất tăng.
Giới phân tích cho rằng việc các chỉ số chứng khoán chính ít biến động trong những ngày gần đây là do một số nhà đầu tư đã “chùn tay” vì lo ngại mức định giá “khủng” của nhiều cổ phiếu sau nhiều tháng thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm.
“Thị trường đang nghiền ngẫm những số liệu kinh tế khả quan, để làm sáng tỏ những áp lực lạm phát và xác định xem liệu tình trạng này có đẩy nhanh việc Fed thắt chặt chính sách, rồi việc thắt chặt nên được phản ánh như thế nào vào giá cổ phiếu”, ông Brad Neuman, Giám đốc chiến lược thuộc Alger nói với hãng tin Reuters.
Giá dầu ít biến động trong phiên này, sau ba ngày tăng liên tiếp đưa giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York lên mức cao nhất trong 3 năm. Báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm mạnh, trong khi tồn kho xăng tăng mạnh hơn dự báo.
Giá dầu WTI tăng 0,07%, chốt ở 68,88 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng 0,01%, đạt 71,36 USD/thùng.
Giá vàng lao dốc hơn 2% do báo cáo khả quan về thị trường lao động đẩy đồng USD tăng giá.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này trong tuần trước giảm xuống dưới mức 400.000 lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Con số 385.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 29/5 là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020 và tốt hơn so với dự báo 390.000 mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Một báo cáo việc làm khu vực tư nhân do công ty dịch vụ tuyển dụng ADP thực hiện cũng khả quan hơn dự báo. Ngoài ra, thống kê cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 đạt mức cao kỷ lục.’
Tất cả những dữ liệu này cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, đặt ra khả năng Fed có thể thắt chặt sớm hơn dự báo, cho dù Fed vẫn trấn an rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời và chính sách tiền tệ vẫn sẽ duy trì nới lỏng.
Nỗi lo lạm phát khiến nhà đầu tư ở Phố Wall ngại đặt cược lớn trước khi đón nhận báo cáo việc làm toàn diện của tháng 5 do Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu. Bản báo cáo này được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đường đi chính sách của Mỹ trong thời gian tới.
Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,43%, còn 711,36 điểm. Giữa tuần này, chỉ số đạt mức cao kỷ lục nhờ lạc quan về phục hồi kinh tế.
Chỉ số FTSEurofirst 300 của chứng khoán châu Âu giảm 0,07%, còn 1.736,44 điểm.
Vừa mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (4/6), chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm gần 0,2%. Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 0,75%.
Tại Mỹ phiên đêm qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,07%, còn 34.577,04 điểm. S&P 500 giảm 0,36%, còn 4.192,85 điểm. Nasdaq sụt 1,03%, còn 13.614,51 điểm.
Các chỉ số chính của chứng khoán thế giới vẫn đang gần mức cao kỷ lục, nhưng đà tăng đã suy yếu nhiều so với đầu năm nay do nhà đầu tư lo ngại rằng sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu sẽ dẫn tới lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt lại sớm hơn dự kiến. Capital Economics dự báo GDP toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng mạnh nhất gần 50 năm.
“Cho tới nay, kỳ vọng lạm phát tăng nhưng chứng khoán vẫn khá ổn. Dù vậy, tôi cho rằng điều này sẽ không kéo dài lâu được”, nhà phân tích Oliver Jones của Capital Economics nhận định.