09:21 29/05/2022

Lời hứa hẹn bền vững của ngành thời trang

Minh Nguyệt

Mặc dù năm 2021 và 2022 đã chứng kiến nhiều sáng kiến hứa hẹn một tương lai xanh hơn, nhưng ngành thời trang vẫn bị cho là đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua những sự thật nghiêm trọng về tính bền vững đối với môi trường...

Khái niệm thời trang bền vững đang trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo bà Minli Zhao, Phó Chủ tịch ngành tiêu dùng của Tập đoàn BASF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một nghiên cứu của tập đoàn này về ngành công nghiệp giày dép cho thấy, 66% người tiêu dùng coi tính bền vững là yếu tố chủ chốt khi đưa ra quyết định chọn mua những mặt hàng xa xỉ. Nắm bắt được nhu cầu trên, các thương hiệu thời trang đua nhau cho ra mắt những bộ sưu tập làm từ vật liệu tái chế hoặc sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, có thể tự phân hủy.

BỀN VỮNG ĐỒNG NGHĨA VỚI ĐẠO ĐỨC

Sự quan tâm đến tính bền vững được cả thế giới doanh nghiệp và người tiêu dùng đón nhận. Theo báo cáo về xu hướng “xanh hóa” của nhóm nghiên cứu bán lẻ thuộc Công ty McKinsey, các sản phẩm được gắn nhãn là “bền vững” đã tăng 176% từ năm 2019 đến năm 2021.

Bản thân người tiêu dùng ngày càng lo ngại về đạo đức của các thương hiệu mà họ mua, với 38% trong số những người tham gia khảo sát có kỳ vọng sản phẩm “giảm tác động tiêu cực đến môi trường”, sau đó mới tới các chỉ số khác bao gồm điều kiện làm việc và phúc lợi của nhân viên.

Good On You là một tổ chức nghiên cứu sâu rộng về đạo đức và thực tiễn thương hiệu, với gần như tất cả các nhãn thời trang nổi bật đã được nhóm của họ phân tích. Stella McCartney và Chopova Lowena là hai trong số ít nhà thiết kế nhận được đánh giá “tuyệt vời”, bởi cách họ đi tiên phong với một loạt các vật liệu hữu cơ, các chính sách lưu thông và các cam kết chống phá rừng.

Gucci, Vivienne Westwood và Marine Serre cũng là những thương hiệu có sự quan tâm thực tế đến khí hậu. Gucci hoạt động hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự “xanh hóa” trong quá trình sản xuất hàng dệt may. Vivienne Westwood cũng sử dụng khả năng tái chế và các vật liệu không chứa nhựa...

Các thương hiệu thời trang đua nhau cho ra mắt những bộ sưu tập làm từ vật liệu tái chế hoặc sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Các thương hiệu thời trang đua nhau cho ra mắt những bộ sưu tập làm từ vật liệu tái chế hoặc sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Cuộc cách mạng còn len lỏi vào từng công đoạn của chuỗi sản xuất. Evrnu, một công ty đã hồi sinh hàng chục triệu tấn chất thải dệt may mỗi năm, là một ví dụ tiêu biểu. Công nghệ đột phá của Evrnu biến những phế phẩm may mặc thành sợi nguyên sinh có chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn cả nguyên bản ban đầu. Thậm chí chúng vẫn có thể được tiếp tục tái chế nhiều lần. Công ty này đã bắt tay với Stella McCartney, Adidas, Levi’s, Target và hướng đến mục tiêu tái sinh thành công tất cả các mặt hàng dệt may vào năm 2030. Điều này sẽ thực sự thay đổi cuộc chơi vì hiện tại 85% quần áo của nhân loại vẫn được xử lý ở các bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Matt Scullin là Giám đốc điều hành của Công ty công nghệ sinh học MycoWorks (Anh) và các cộng sự của mình đã phát hiện ra một phương pháp mang tính cách mạng để thu hoạch thể sợi (mycelium) – phần sinh dưỡng của nấm. Từ đó, công nghệ của Mycoworks cho phép con người can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của cây nấm để “thao túng” trật tự tế bào, từ đó tạo ra lớp bề mặt có độ dẻo dai và độ bền vượt trội. Thành tựu này thu hút các nhà mốt xa xỉ khi nó trao cho các “ông lớn” của làng thời trang quyền kiểm soát chất lượng của nguyên vật liệu.

Cũng là một start-up đang cố gắng định nghĩa lại tương lai của vải vóc, vật liệu, Evolved by Nature là một công ty công nghệ sinh học toàn cầu đã tạo ra mọi chất liệu may mặc chỉ bằng tơ tằm và hóa chất. Phát minh tơ hoạt tính của Evolved by Nature sử dụng protein trong tơ tằm tự nhiên để mô phỏng cấu trúc và đặc tính liên kết của các loại vải khác nhau. Vải da bằng tơ hoạt tính có tính ứng dụng và khả năng phân hủy cao, vải chuyên dụng cho đồ thể thao dẻo dai và có khả năng tái chế. Thật khó để bắt bẻ một sáng kiến tuyệt vời như vậy, nên công ty đã nhận được một khoản đầu tư của Chanel.

THẾ NÀO MỚI LÀ “XANH” THỰC SỰ?

Với việc ngày càng có nhiều thương hiệu và người tiêu dùng mang chung một nhận thức về sự bền vững, dán nhãn “xanh” hay “sinh thái” chắc chắn là một cách hiệu quả để quảng cáo cho sản phẩm. Tuy nhiên, đó là ‘xanh” thực sự hay chỉ là “greenwashing” (tẩy xanh) lại là chuyện khác.

 
Một hành động được xem là "greenwashing" khi một công ty dành nhiều tiền bạc và thời gian tự xưng là doanh nghiệp xanh thông qua quảng cáo và tiếp thị hơn là thực sự tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường.

Thực tế là, nhiều thương hiệu đã hứa hẹn đưa ra các biện pháp bền vững trong Cam kết năm 2020 của Chương trình thời trang toàn cầu, nhưng đến giờ họ chỉ đạt được 64% mục tiêu.

Trong hai thập kỷ qua, nhằm đạt được mục tiêu lớn là giảm phát thải khí nhà kính, nhiều thương hiệu đã đăng ký tham gia Dự án kiểm soát khí thải carbon (CDP) - một tổ chức đánh giá các hoạt động vì môi trường. Tuy nhiên, tờ Guardian mới đây đã tiết lộ những sự thật đang bị che giấu.

Chẳng hạn, thông qua cách tính điểm, mặc cho lượng phát thải thực tế đang tăng lên từng ngày, một vài nhãn hiệu nổi tiếng vẫn tuyên bố đã thành công cắt giảm tổng lượng khí thải CO2 hằng năm và nhận được điểm số cao từ CDP. Đó là bởi, một số “ông lớn” trong ngành thời trang ghi nhận tổng lượng khí thải toàn cầu của họ dựa trên tổng doanh thu, có nghĩa là tổng lượng khí thải được tính là giảm khi tăng ít hơn mức tăng doanh thu mỗi năm.

Trong báo cáo biến đổi khí hậu năm 2021, một “đế chế” giày thể thao lớn mô tả “mức tăng trưởng doanh thu 7% sẽ bù đắp lượng khí thải tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến lượng khí thải tương ứng với doanh thu giảm hơn 5%”. Và thế là, bất chấp sự gia tăng lượng khí thải, CDP đã trao cho thương hiệu này điểm A-.

Bản thân người tiêu dùng ngày càng lo ngại về đạo đức của các thương hiệu mà họ mua các mặt hàng xa xỉ.
Bản thân người tiêu dùng ngày càng lo ngại về đạo đức của các thương hiệu mà họ mua các mặt hàng xa xỉ.

Tương tự, một số thương hiệu khác thì không tính đến ô nhiễm do chuỗi cung ứng gây ra, tác động của các chuyến bay không được tính vào “tổng lượng phát thải toàn cầu”. Với sự thật này, các chuyên gia bày tỏ sự thất vọng trước tiến bộ tự xưng của ngành, đồng thời cảnh báo rằng việc tập trung vào tăng hiệu suất hơn là giảm lượng khí thải tuyệt đối sẽ là mối đe dọa đối với hành tinh.

Để lời hứa hẹn bền vững được hiệu quả hơn, Jason Kibbey, Giám đốc điều hành của Liên minh may mặc bền vững tiết lộ: “Hiện các CEO của những công ty hàng đầu thế giới đã cùng nhau phát triển một cơ sở dữ liệu nhằm đo lường tác động của sản phẩm đến môi trường. Chúng tôi đã có hơn 200 thành viên toàn cầu, từ Adidas, Levi’s đến tập đoàn xa xỉ LVMH”.

Mục tiêu của công cụ đo lường này là thu thập tất cả thông tin và chuẩn hóa nó để có thể chia sẻ với người tiêu dùng những cách phân biệt một sản phẩm may mặc bền vững. Loại số liệu được chuẩn hóa này cũng sẽ cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn “greenwashing”.

“Tính bền vững thuộc phạm vi rộng và dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng bởi không có bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định,” Amy Powney, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Mother of Pearl nhận định. “Đối với người tiêu dùng, thông điệp hàng đầu tôi có thể đưa ra chính là hãy lựa chọn những sản phẩm tập trung vào chất lượng tốt thay vì giá thành rẻ. Hãy tự mình trả lời câu hỏi: liệu những thứ trang phục chỉ mặc một vài lần rồi bỏ đi có xứng đáng để bạn bỏ tiền ra hơn là những thứ bạn có thể sử dụng nhiều lần trong thời gian dài?”